Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ đặt tại Hàn Quốc đã đi vào vận hành bước đầu, sẵn sàng tiêu diệt ít nhất vài tên lửa Triều Tiên, một quan chức quân đội Mỹ cho hay.
Washington và Seoul nhất trí triển khai THAAD từ tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa. Mục tiêu chính của THAAD nhằm bảo vệ các binh sĩ Mỹ đóng quân tại châu Á cũng như những đồng minh trong khu vực trước mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, THAAD hiện gây tranh cãi gay gắt khi mà Nga, Trung Quốc, thậm chí không ít người dân Hàn Quốc lại kịch liệt phản đối hệ thống này, theo CBS News.
Bộ phận của THAAD được Mỹ chuyển tới Hàn Quốc hồi đầu tháng ba
Trung Quốc phản đối
Trung Quốc đang tỏ ra vô cùng giận dữ trước động thái Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Dù gần đây liên tục phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa và đe dọa thử hạt nhân lần thứ 6, Bắc Kinh vẫn là đồng minh quan trọng đối với Bình Nhưỡng và là một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Washington.
Thực tế, Trung Quốc không quá bận tâm trước việc THAAD có thể tiêu diệt tên lửa Triều Tiên. Thay vào đó, họ chủ yếu quan ngại về radar trong THAAD, chuyên gia nhận định. Hệ thống radar tối tân này mang đến cho quân đội Mỹ khả năng thu thập thông tin mạnh mẽ, theo dõi được mọi hoạt động của các trang thiết bị, khí tài quân sự bên trong Trung Quốc.
Bắc Kinh chỉ trích kịch liệt ngay từ thời điểm kế hoạch triển khai THAAD mới được công bố. Trước thông tin hệ thống THAAD tại Hàn Quốc bắt đầu vận hành, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua yêu cầu Mỹ - Hàn cho ngừng hoạt động THAAD ngay lập tức, đồng thời tuyên bố "sẵn sàng thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình".
Sự phản đối từ Trung Quốc dường như là vấn đề gây đau đầu hơn cả bởi Bắc Kinh lâu nay vẫn giữ vai trò như một thế lực hậu thuẫn Bình Nhưỡng, cây bút Tucker Reals từ CBS bình luận. Mặt khác, Trung Quốc còn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn cấp cao đã thể hiện rõ ràng rằng họ muốn Trung Quốc gây sức ép thông qua thương mại, buộc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán.
Trung Quốc, vì nhiều lý do, cũng không muốn chiến tranh nổ ra ở biên giới và đã truyền đi tín hiệu cho thấy họ đang tích cực tác động lên Triều Tiên. Nhưng hệ thống THAAD Mỹ đặt tại Hàn Quốc hiện là chướng ngại vật lớn nhất cản trở Washington và Bắc Kinh đi đến thống nhất một thỏa thuận giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc bất đồng
Dân Hàn Quốc đụng độ với cảnh sát gần nơi lắp đặt THAAD
Ngay cả Hàn Quốc, đất nước nằm dưới chiếc ô bảo vệ của THAAD, cũng bất đồng quan điểm trước kế hoạch triển khai hệ thống này. Tại nơi bố trí THAAD, hàng trăm người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình chống lại việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa.
Phe phản đối cho rằng lá chắn bảo vệ mà THAAD mang tới cho Hàn Quốc không đáng để đánh đổi mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc và Nga. Giống Bắc Kinh, Moscow không đồng tình với việc đặt THAAD tại Hàn Quốc.
THAAD được thiết kế nhằm ngăn chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung khai hỏa từ Triều Tiên. Nó không phát huy hiệu quả khi chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Và với phạm vi bao phủ chỉ hơn 200 km, nó khó lòng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Người Hàn Quốc hiểu rằng cách đối phó với Triều Tiên tốt nhất là tránh để xảy ra một cuộc tấn công.
Bên cạnh đó, người Hàn Quốc còn lo sợ các đòn trừng phạt mà Trung Quốc có thể thực hiện nhằm phản đối THAAD.
Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp được xem như hành động trả đũa về kinh tế đối với Seoul vì THAAD, bao gồm cả việc cấm các tour du lịch tới Hàn Quốc. Tập đoàn bán lẻ Lotte, chủ nhân cũ sở hữu khu đất ở thị trấn Seongju, nơi đang lắp đặt THAAD, cũng trở thành mục tiêu trừng phạt khi 85 trên 99 cửa hàng họ mở tại Trung Quốc đã bị đóng cửa.
Nga quan ngại
Giống Trung Quốc, Nga là một trong số ít các quốc gia bảo vệ Triều Tiên trước những phương án trừng phạt khắc nghiệt hơn từ Liên Hợp Quốc vì chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi.
"Những quốc gia liên quan không nên lợi dụng hành động của Bình Nhưỡng để làm cái cớ gia tăng hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 4 năm ngoái nói.
THAAD trong một lần phóng thử
Sự phản đối của Nga cũng bắt nguồn từ nỗi e sợ về một hệ thống radar hiện đại nằm cách lãnh thổ chỉ vài trăm km, Reals đánh giá.
Điện Kremlin không ít lần bày tỏ mối quan ngại rằng việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Hồi cuối tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh hệ thống THAAD ở Hàn Quốc tạo ra mối đe dọa đối với "cán cân sức mạnh quân sự hiện hữu tại khu vực".
"Chúng tôi không phải nước duy nhất nhìn nhận động thái này theo chiều hướng tiêu cực. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi cả Mỹ và Hàn Quốc cân nhắc lại hành động của mình, đồng thời hy vọng các quốc gia khác không bị lôi kéo theo những nỗ lực gây bất ổn kiểu như vậy", truyền thông Nga dẫn lời ông Gatilov cho hay.
Vũ Hoàng