"Nó đã có khả năng đánh chặn bước đầu", AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay, nhắc tới hệ thống THAAD. Năng lực đánh chặn sẽ tiếp tục được gia tăng vào cuối năm nay khi Mỹ lắp đặt bổ sung các bộ phận và thiết bị khác nhằm hoàn thiện toàn bộ hệ thống.
Washington và Seoul nhất trí triển khai THAAD từ hồi tháng 7 năm ngoái trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa. Việc Mỹ lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc giận dữ. Bắc Kinh nói hệ thống này gây ảnh hưởng tới an ninh khu vực.
Hệ thống THAAD, hiện được đặt tại một sân golf cũ ở thị trấn miền núi Seongju, phía nam Hàn Quốc, có thể tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của hành trình.
Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp được xem như hành động trả đũa về kinh tế đối với Seoul vì THAAD, bao gồm cả việc cấm các tour du lịch tới Hàn Quốc. Tập đoàn bán lẻ Lotte, chủ nhân cũ sở hữu khu đất đang lắp đặt THAAD, cũng trở thành mục tiêu trừng phạt khi 85 trên 99 cửa hàng họ mở tại Trung Quốc đã bị đóng cửa.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện leo thang nhanh chóng với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa thách thức Mỹ - Hàn. Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân lần 6 khi nào thấy phù hợp. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhấn mạnh phương án thực thi hành động quân sự "là lựa chọn đang được cân nhắc".
THAAD trong một lần phóng thử
Vũ Hoàng