Thời sự

Trả nợ dòng Mekong

Đồng bằng sông Cửu Long đang loay hoay tìm cách trả nợ cho "khoản vay trước" từ dòng Mekong.

Khuya tháng 6, chiếc ghe chở nhóm trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bến Tre lướt đi êm ru trên con sông thuộc xã Long Thới, Chợ Lách. Trinh sát chọn một vị trí kín đáo "ém quân", tắt nguồn tất cả thiết bị có thể phát sáng. Đêm đen lặng như tờ. Cả nhóm im bặt, chờ đợi.

1h, ba xuồng gỗ cùng hai tàu sắt chở hơn 120 m3 cát xuất hiện từ xa. Các trinh sát nổ máy ghe, bất ngờ xuất kích. Thấy cảnh sát, nhóm "cát tặc" hô hoán nhau gieo mình xuống sông, biến mất trong đêm đen. Phút chốc, ba xuồng gỗ chỉ còn lại người đàn ông 51 tuổi.

"Những người bất chấp nhảy sông khả năng đã từng bị xử lý hành chính. Nếu vi phạm lần hai sẽ xử lý hình sự nên họ liều. Cát tặc còn có tàu chuyên làm nhiệm vụ vớt nhóm này", một trinh sát thuật lại cuộc "săn" những kẻ khai thác cát trái phép.

Một vụ săn cát tặc tại Tiền Giang
 
 
Một đêm "săn" cát tặc của Công an tỉnh Tiền Giang hồi tháng 2/2023. Video: Hoàng Nam - Đỗ Nam

Nhiều năm qua, cát là món hàng được "thèm muốn" ở ĐBSCL khi cầu vượt xa cung. Nhu cầu cát xây dựng của cả nước khoảng 130 triệu m3, trong khi lượng cấp phép khai thác chỉ 62 triệu m3 mỗi năm - bằng 50% nhu cầu, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng.

Các con số nêu trên không bao gồm lượng cát bị khai thác trái phép. Cát bị múc đi ở hạ nguồn Mekong vốn vẫn là "điểm mù" của nhà chức trách. Như hôm 15/8, Bộ Công an khởi tố 10 cán bộ và đại diện doanh nghiệp tại An Giang với cáo buộc cấu kết để khai thác vượt giấy phép ba lần - cấp phép 1,5 triệu m3 nhưng khai thác thực tế 4,7 triệu m3.

Trước tình trạng khai thác cát ồ ạt, trong khi phù sa ngày càng giảm, năm 2009, Việt Nam lần đầu cấm xuất khẩu cát xây dựng, chỉ cho bán cát nhiễm mặn từ nạo vét cửa sông, cảng biển ra nước ngoài. Đến 2017, Chính phủ quyết định cấm xuất khẩu mọi loại cát.

Thế nhưng, các hành động đó vẫn chưa đủ để trả khoản nợ cộng dồn mà con người đã "vay" của dòng sông liên tiếp những năm qua.

ĐBSCL đang "lún sâu" vào nợ nần.

Ngân hàng cát

"Các bạn hãy xem cát như tiền và dòng sông là ngân hàng. Con người là khách vay, và hiện tại chúng ta đang mắc nợ đầm đìa, tức đã khai thác quá nhiều so với khả năng cung cấp tự nhiên của dòng sông", ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói.

Ví con sông như một ngân hàng cát, chuyên gia này lý giải nguồn thu đầu vào là lượng cát lắng đọng hàng nghìn năm dưới đáy sông (trầm tích) và phù sa đổ về từ thượng nguồn (khoảng 15% là cát). Đây gọi là trữ lượng hiện có.

Khoản chi thường xuyên của ngân hàng này, thường rất nhỏ, là lượng cát bị dòng chảy đẩy ra cửa biển, lắng đọng thành các đụn cát dọc bờ, tạo nên "bức tường" chắn sóng ngầm bảo vệ bờ biển và rừng ngập mặn. Phần lớn lượng cát còn lại được con người khai thác để đầu tư phát triển, bởi đây là nguồn nguyên liệu tốt nhất cho xây dựng.

Khi tài khoản nhà băng này dương hoặc bằng 0, tức thu lớn hơn hoặc bằng chi, ngân hàng đạt trạng thái cân bằng, cho thấy việc khai thác cát bền vững. Ngược lại, lòng sông "rỗng bụng", tức ngân hàng thiếu sẽ tạo ra nhiều hố sâu gây sạt lở.

Thực tế, tài khoản của ĐBSCL đang âm và có xu hướng kéo dài. Một lượng cát khổng lồ đã mắc kẹt sau các đập thủy điện ở thượng nguồn Trung Quốc, Lào và Thái Lan, do đó ĐBSCL càng khai thác sẽ càng ít cát.

"Hiện, tài khoản dự trữ chỉ còn 10 năm trước khi đồng bằng cạn kiệt cát. Nếu chúng ta không làm gì để tăng nguồn thu đầu vào, giảm chi đầu ra, ĐBSCL sẽ biến mất", ông Goichot cảnh báo.

Sà lan chở cát trên sông Tiền đoạn huyện Hồng Ngự, giáp TP Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Tùng

"Một trong những nguyên nhân khiến ĐBSCL dính món nợ này là bởi không tính toán được ngân hàng cát đang thật sự có bao nhiêu tiền", TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), lý giải.

Nhiều năm tư vấn cho các tỉnh miền Tây, ông nói kỹ thuật cơ bản hiện nay của các địa phương là dùng máy đo độ sâu và khoan dò địa chất, lấy mẫu đáy sông rồi ước tính trữ lượng hiện có. Đây thường là căn cứ đầu vào để tỉnh xây dựng kế hoạch khai thác cát. Tuy nhiên, cách làm này không tính toán được lượng cát đổ về từ thượng nguồn hàng năm.

Theo chuyên gia, việc đo cát di chuyển dưới lòng sông (gồm bùn cát đáy, cát lơ lửng và phù sa) là "cực kỳ khó", đòi hỏi kỹ thuật rất cao và nguồn lực tài chính lớn, "quá tầm" địa phương. Thế giới có hàng trăm công thức, kinh nghiệm tính toán khác nhau và không có mẫu số chung cho tất cả. Mỗi con sông có cách tính riêng.

Công cụ ngân hàng cát WWF - Việt Nam đang xây dựng nhằm quản lý tài nguyên bền vững. Đồ hoạ: WWF, Đăng Hiếu

Để giải quyết bài toán trên, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đang phát triển một công cụ quản lý cát tại ĐBSCL từ ý tưởng "ngân hàng cát", lần đầu tiên thử nghiệm trên thế giới. Dự án khảo sát 550 km sông Tiền, sông Hậu để xác định trữ lượng cát hiện có ở đáy sông, và ước tính lượng cát khai thác trung bình hàng năm giai đoạn 2017-2022 bằng phương pháp phân tích ảnh vệ tinh. Kết quả tính toán này sẽ là cơ sở khoa học để địa phương xem xét mức độ khai thác phù hợp, ra quyết định chính xác hơn trong quản lý cát sông.

"Công cụ này sẽ giúp ngân hàng cát của ĐBSCL không bị âm trầm trọng hơn, và trả nợ phần nào cho dòng sông", ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý Cát Bền vững ĐBSCL (WWF - Việt Nam), nói và kỳ vọng giảm thiểu sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhâp mặn, triều cường - các "nhân tai" mà con người đang phải gánh chịu.

Xây "lâu đài" trên cát

Để bảo vệ vùng châu thổ này, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã chi gần 11.500 tỷ đồng xây dựng 190 công trình chống sạt lở dài 246 km dọc ĐBSCL. 4.770 tỷ đồng đang được chuẩn bị để đầu tư thêm 28 bờ kè ven sông, ven biển.

Thế nhưng, tỷ lệ thuận với số kè được xây mới, là số điểm sạt lở tăng lên. Bảy tháng đầu năm nay, vùng châu thổ này chứng kiến số vụ sạt lở bằng cả năm 2022.

Bản đồ vị trí sạt lở và công trình chống sạt lở theo kế hoạch của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Ảnh chụp màn hình Bản đồ trực tuyến quản lý VNDSS

Hơn ba năm đưa vào sử dụng, 3 km kè bảo vệ bờ sông Tiền (chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) đã 4 lần sạt lở, mất đi 1,3 km. Đây là một minh chứng cho việc xây bờ kè thiếu hiệu quả ở miền Tây, theo TS Dương Văn Ni, giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ.

"Các tỉnh đang lạm dụng xây kè, giống như đem tiền đổ sông, đổ biển vì đầu tư công trình sẽ không có điểm dừng, trong bối cảnh đồng bằng tiếp tục sạt lở", ông nói, gọi các công trình xây kè bảo vệ bờ biển sạt lở là "rất phản khoa học".

Theo ông, bờ kè giống như "lâu đài" trên cát. Trong thời gian ngắn, các công trình đồ sộ này sẽ lại sạt lở hàng loạt.

Lý giải thêm, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập tại ĐBSCL, cho rằng giải pháp công trình như xây kè rất đắt đỏ, mà không phải lúc nào cũng tốt. Bởi lòng sông có những hố sâu tự nhiên, nếu can thiệp dưới dạng công trình là trái quy luật.

"Càng đổ tiền vào, công trình càng sụp đổ. Chúng ta không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở", ông nói. Các giải pháp công trình như xây kè chỉ nên thực hiện ở nơi xung yếu, buộc phải bảo vệ bằng mọi giá, như đô thị hay khu đông dân cư.

Với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về đồng bằng, ông Marc Goichot cũng cho rằng cách tiết kiệm và hiệu quả nhất là tận dụng cát để bảo vệ dòng sông theo hướng thuận thiên.

"Nhiều vùng đồng bằng trên thế giới đã thử và sai với giải pháp xây đê. ĐBSCL không nên đi lại vết xe đổ này", ông nói.

Chuyên gia dẫn chứng tại đồng bằng sông Rhine (Hà Lan), 50-70 năm trước cũng xây đê, nhưng ngày nay đang dỡ bỏ để nước chảy vào các cánh đồng. Phù sa sẽ theo dòng nước vào trong nội đồng, bồi đắp và xây dựng khả năng phục hồi cho con sông.

Tương tự, đồng bằng sông Mississippi (Mỹ) - nơi đang xói lở và sụt lún nhanh hơn cả ĐBSCL, Chính phủ gấp rút dỡ đê để trầm tích có thể di chuyển vào đồng bằng. Ông nhấn mạnh các cơ sở hạ tầng nhân tạo tốn kém, lại ít hiệu quả bảo vệ, và làm giảm sự đa dạng sinh học của dòng sông.

"Lợi thế của chúng ta là biết điều đó sớm hơn", ông nói và khuyến nghị Việt Nam cần có cách tiếp cận thuận thiên để bờ sông phục hồi tự nhiên, thay vì dùng các tác động nhân tạo.

Dự án kè sông Tiền tổng vốn đầu tư 109 tỷ đồng, thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, đã 4 lần sạt lở. Ảnh: Ngọc Tài

Nan giải di dân

Trong khi giải pháp công trình đắt đỏ, lại không thể bảo vệ hết khỏi các nguy cơ, các chuyên gia cho rằng ưu tiên trước hết là di dời, tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân vùng sạt lở để giảm thiệt hại.

Tuy nhiên, giải pháp này đang là vấn đề nan giải với miền Tây. Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống Thiên tai, hiện có khoảng 20.000 hộ dân sống ven các tuyến sông có nguy cơ cao, cần khẩn trương di dời ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ - những nơi sạt lở nghiêm trọng nhất. Tất cả đang chờ Trung ương tiếp sức bởi nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng là "quá sức" các địa phương.

Trong khi đó, TS Dương Văn Ni cho rằng thiếu tiền không phải nguyên nhân duy nhất, mà do chính quyền chưa đủ quyết liệt.

"Đồng bằng không thiếu quỹ đất để người dân cất nhà ổn định cuộc sống, vì sao để họ xây cất ven sông rồi năm nào cũng la làng chuyện sạt lở mất nhà cửa", ông đặt câu hỏi.

Chuyên gia cho rằng người dân tiếp tục phát triển nhà ven sông, kênh rạch cho thấy địa phương chưa đủ quyết tâm, chưa xem sạt lở là vấn đề bức thiết, không làm tốt tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành.

"Người dân vẫn nghĩ bờ sông là của chùa còn chính quyền thì buông lỏng quản lý", tiến sĩ băn khoăn.

Theo ông, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là cấm xây nhà ven sông, kênh, rạch, từng bước di dời hết người dân vào nơi an toàn. Nếu bờ sông trống trải, chính quyền cũng giảm được chi phí xây kè tốn kém mà ít hiệu quả. Khuyến cáo này đã được các nhà khoa học đưa ra từ 10 năm trước - khi số liệu đo đạc cho thấy đồng bằng Mekong mất cân bằng phù sa, hệ luỵ tất yếu là sạt lở ngày càng trầm trọng.

Dãy nhà bị sạt lở nằm trên bờ sông Cái Vừng, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - một trong những điểm nóng sạt lở của tỉnh. Ảnh: Ngọc Tài

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất thêm, các địa phương cần có đội khảo sát bằng xuồng máy dọc tuyến sông xung yếu, với thiết bị phát sóng siêu âm, đo đáy sông. Dữ liệu hàng tháng cần cập nhật thường xuyên sẽ giúp cơ quan chuyên môn phát hiện nơi có bất thường hoặc "hàm ếch", nguy cơ sạt lở để chủ động di dời người dân.

"Sạt lở không thể dừng lại khi nguyên nhân gây ra nó vẫn còn", ông cảnh báo.

Thiếu cát cho các công trình hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc, đang là mối lo chung của các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, khi số vụ sạt lở tăng và các công trình hạ tầng vẫn "khát" cát, ĐBSCL sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ vùng đồng bằng đang ngày càng "teo lại".

Hai thập kỷ quan sát Mekong, ông Marc Goichot dự báo với tốc độ khai thác như hiện nay, ĐBSCL sẽ cạn cát vào cuối năm 2040. Nếu đồng bằng hết cát, kinh tế sẽ không còn "nguyên liệu" để phát triển. Việt Nam chỉ còn khoảng 20 năm để chuẩn bị cho tiến trình này.

"Khi đó, ngân hàng cát âm không còn là khái niệm trừu tượng. Ngân sách của các tỉnh miền Tây cũng sẽ âm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm khi phải chống chọi với sạt lở, mà chẳng còn nguồn thu nào đáng kể để trả món nợ đó", ông Goichot cảnh báo.

Sạt lở miền Tây
 
 
Sống bấp bênh bên dòng Mekong. Video: Hoàng Nam - Đỗ Nam - Tuấn Việt

Ngọc Tài - Hoàng Nam - Thu Hằng

Đính chính:

Bài viết khi lên trang, có một ý trích dẫn không đúng quan điểm chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện. Ngay khi nhận phản hồi, VnExpress điều chỉnh vào lúc 6h40 phút.

Xin cáo lỗi độc giả cùng ông Nguyễn Hữu Thiện.