"Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn một châu Âu khác, một châu Âu nơi ông ấy có thể kiểm soát các nước láng giềng và quyết định những gì quốc gia khác có thể làm", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn hôm nay. "Chúng ta cần chuẩn bị cho chặng đường dài, điều này có thể kéo dài trong rất nhiều năm".
Xung đột Ukraine đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến II và khiến NATO phải bước vào cuộc đại tu hệ thống phòng thủ lớn nhất kể từ khi Liên Xô tan rã.
Stoltenberg cho biết ông thận trọng khi dự đoán cuộc đối đầu mới giữa Nga và phương Tây sẽ tiếp tục trong bao lâu, bởi thay đổi có thể đến bất ngờ.
"Chúng ta đã chứng kiến Bức tường Berlin sụp đổ hay vụ khủng bố 11/9", ông nói. "NATO sẽ luôn xem xét những cơ hội cải thiện quan hệ, nhưng với hành vi hiện tại của chính quyền Nga thì không có cách nào".
Các quốc gia thành viên NATO không triển khai lực lượng tới Ukraine. Một số quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự trực tiếp và leo thang thành chiến tranh hạt nhân giữa phương Tây và Nga. Tuy nhiên, từ khi chiến sự bùng phát, hàng chục nghìn binh sĩ NATO đã được triển khai tới sườn phía đông của liên minh và loạt đồng minh châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Các thành viên NATO, dẫn đầu là Mỹ, cũng đã chuyển số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine để lực lượng của Kiev đối đầu với lực lượng Nga.
Tổng thư ký Stoltenberg đầu tuần này kêu gọi các nước phương Tây tăng cường viện trợ đạn dược cho Ukraine, khi chiến dịch quân sự của Nga tại nước này sắp tròn một năm. Ông Stoltenberg cho rằng Moskva đang chuẩn bị mở các đợt tấn công mới.
Đáp lại, Điện Kremlin tuyên bố NATO là tổ chức thù địch "đang làm hết sức để cho thấy rõ nhất sự can thiệp vào xung đột liên quan Ukraine". Nga cũng nhiều lần cảnh báo việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài và khiến tình hình "leo thang khó đoán".
Huyền Lê (Theo AFP)