"Chúng tôi biết rõ nhóm người theo chủ nghĩa hòa bình này. Họ là những người chưa đánh đã hàng. Đây là tâm lý chiến bại và chúng ta không như thế", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/6 phát biểu tại Paris, trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Giới quan sát nhận định thông điệp của ông Macron dường như nhắm vào phe cực hữu đối lập tại Pháp, trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6.
Phe cực hữu Pháp và châu Âu thời gian qua thường kêu gọi ngừng viện trợ quân sự và tránh can thiệp vào Ukraine, với hy vọng sớm kết thúc cuộc chiến và không để châu Âu bị kéo vào xung đột trực diện với Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron cho rằng hòa bình tại Ukraine sẽ không thể được tái lập "nếu phe bị tấn công chấp nhận đầu hàng". Ông nói chính phủ Pháp "ủng hộ hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nhưng cần công nhận quyền kháng cự chính đáng của một dân tộc khi họ bị tấn công".
"Đó mới là hòa bình thực chất. Chúng ta cần gây áp lực lên Nga", ông Macron nói.
Tổng thống Pháp tuyên bố quá trình thành lập "liên minh huấn luyện viên quân sự" cho Ukraine sẽ bước vào giai đoạn hoàn thiện trong vài ngày tới, khẳng định Pháp đang nỗ lực tập hợp "ở quy mô lớn nhất" để đáp ứng nhu cầu của Ukraine.
"Chúng tôi muốn tạo liên minh trong vấn đề này. Đã có một số đối tác đồng thuận. Chúng tôi không đơn độc", ông Macron nói, đồng thời khẳng định Paris không lo sợ sau khi Nga đe dọa "nhắm mục tiêu" quân nhân Pháp ở Ukraine.
Pháp là một trong những nước châu Âu ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022. Tổng thống Pháp đã nhiều lần tuyên bố ý định cử lực lượng sang Ukraine hỗ trợ huấn luyện quân đội, ngoài ra còn đề cập khả năng đưa quân tiếp viện nếu Nga xuyên thủng phòng tuyến Ukraine và đe dọa Kiev.
Ý tưởng đưa quân đến Ukraine vốn là điều cấm kỵ, đặc biệt khi NATO tìm cách tránh bị kéo vào cuộc chiến rộng hơn với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan, Cộng hòa Czech và nhiều nước châu Âu tuyên bố không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Lãnh đạo các nước cho biết không muốn lực lượng của mình tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, cũng như không muốn đụng độ trực tiếp với Nga.
Vào cuối tháng 5, ông Macron cũng vận động Đức cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nga. Vài ngày sau, Mỹ và Đức lần lượt tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để đáp trả các đòn tấn công vào Kharkov.
Thanh Danh (Theo AFP)