"Cuộc xung đột có thể đã tránh được nếu NATO chú ý đến những cảnh báo từ chính các lãnh đạo và quan chức của họ suốt nhiều năm qua rằng mở rộng về phía đông sẽ dẫn đến bất ổn lớn hơn trong khu vực", Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nói với các nghị sĩ nước này hôm 17/3.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO bắt đầu quá trình đông tiến, kết nạp nhiều quốc gia ở Đông Âu, bắt đầu với Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech vào năm 1999. Một đợt kết nạp ồ ạt khác diễn ra năm 2004, khi Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia trở thành thành viên của khối.
Albania và Croatia gia nhập NATO năm 2009, tiếp đó là Montenegro năm 2017 và Bắc Macedonia vào năm 2020, nâng số thành viên của khối lên 30. Ukraine và Gruzia cũng đã yêu cầu gia nhập liên minh quân sự này.
Nga kịch liệt phản đối đà mở rộng của NATO tới gần biên giới nước này, liên tục yêu cầu những đảm bảo an ninh nhằm ngăn khối tiếp tục xu hướng đó. Tuy nhiên, phương Tây được cho là đã phớt lờ những lo ngại của Nga.
Nam Phi là một trong 35 quốc gia hôm 2/3 bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: GCIS.
Tổng thống Nam Phi cho biết điều quan trọng là phải hiểu nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, song nhấn mạnh điều đó không đồng nghĩa ông hoàn toàn đồng ý với chiến dịch quân sự của Nga.
Bình luận mới nhất của Tổng thống Nam Phi được đưa ra sau khi ông tiết lộ tuần trước rằng đã được yêu cầu tham gia làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ông Ramaphosa hôm 17/3 cho biết đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người tỏ ý mong muốn kết thúc giao tranh. Tổng thống Nam Phi cũng hy vọng sớm nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Có những người khăng khăng cho rằng chúng tôi nên có lập trường và quan điểm chống lại Nga", lãnh đạo Nam Phi lưu ý, song không nêu cụ thể các quốc gia đã gây sức ép với ông. "Cách tiếp cận mà chúng tôi đã chọn và được nhiều bên đánh giá cao là nhấn mạnh cần có đối thoại".
Ông Ramaphosa lập luận rằng bằng cách giữ thái độ trung lập, Nam Phi có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn cho tiếng nói của mình, không chỉ ở các diễn đàn công khai mà còn với các bên liên quan xung đột.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
"Chiến tranh, bạo lực không bao giờ thực sự giải quyết được bất kỳ vấn đề nào", ông nói thêm. "Chính vì lý do này, chúng tôi muốn và nhấn mạnh rằng cần có hòa giải, đối thoại và đàm phán".
Khi chiến dịch quân sự bước sang tuần thứ ba, Nga tiếp tục nỗ lực bao vây các thành phố lớn của Ukraine, đồng thời hai bên nhất trí mở các hành lang nhân đạo sơ tán dân thường. Quan chức Ukraine hôm 17/3 cho biết Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga sẽ chỉ có thể gặp nhau khi "hiệp ước hòa bình" được ký kết, có thể trong những tuần tới.
Huyền Lê (Theo RT)