"Hành động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong xử lý đại dịch Covid-19 sẽ được các quốc gia thành viên và các cơ quan độc lập xem xét vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm. Đây là một phần của tiến trình bình thường được các quốc gia thành viên đề ra", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 15/4.
Tedros, cựu ngoại trưởng Ethiopia, trở thành Tổng giám đốc WHO từ tháng 7/2017. Ông cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ đại dịch đã khiến hơn hai triệu người nhiễm và hơn 135.000 người tử vong. "Và sẽ có những bài học cho tất cả chúng tôi. Nhưng bây giờ trọng tâm của tôi là ngăn chặn virus", ông nói.
Tedros, 55 tuổi, đã chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt ở Mỹ, về sự lây lan của virus trên toàn cầu. Các nhà phê bình cáo buộc Tedros và WHO cho phép Trung Quốc đánh giá thấp tác động của Covid-19 tại quốc gia này, cản trở khả năng chuẩn bị ứng phó của các quốc gia khác. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 644.000 ca nhiễm và hơn 28.000 ca tử vong.
Trump hôm 14/4 ra quyết định ngừng cấp ngân sách và "thực hiện đánh giá làm rõ vai trò của WHO trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó Covid-19 và che đậy sự lây lan của nCoV". Ông chủ Nhà Trắng cho rằng WHO không minh bạch về Covid-19 và Washington sẽ thảo luận xem "nên dùng số tiền đáng lẽ về tay WHO như thế nào".
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, Tedros nói rằng Mỹ đã là người bạn lâu năm, hào phóng của WHO và tổ chức này hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục như vậy.
Một nghiên cứu của Anh chỉ ra rằng nếu WHO yêu cầu các nước đóng cửa biên giới sớm hơn một tuần, 2/3 số ca tử vong sẽ không xảy ra. Tedros cũng là mục tiêu của một bản kiến nghị trên Change.org kêu gọi ông từ chức. Đến hôm nay, bản kiến nghị đã thu hút hơn 960.000 chữ ký.
Huyền Lê (Theo Fox)