Sáng 8/10, hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 bế mạc sau 7 ngày làm việc. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc chuẩn bị tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 chất lượng. Tờ trình, dự kiến quy hoạch đã kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa 13.
Trung ương yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031. Đây là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.
Người có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Chất lượng, cơ cấu, thành phần cũng phải tiếp tục xem xét, phân tích kỹ để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.
Tổng bí thư nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa 14 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ. Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Ông yêu cầu xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Việc quy hoạch cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Quy hoạch cần coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Tổng bí thư lưu ý tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới. Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước sẽ làm cơ sở cho công tác nhân sự Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ 14 của Đảng.
Tại hội nghị lần này, Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng, bao gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các Tiểu ban có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm hoạt động, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Trung ương cũng nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nghị quyết có nhiều nội dung kế thừa, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa 11, trong đó tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Theo Tổng bí thư, trong thời kỳ phát triển mới, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cần tiếp tục phát huy để tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến. Điều này sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hội nghị thống nhất cao rằng bối cảnh hiện nay đòi hỏi ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới...
Tổng Bí thư đề nghị ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học - công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Ông yêu cầu tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học.
Trung ương nhất trí cao cho rằng 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đạt được thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Theo Tổng Bí thư, phải ban hành và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này, trong đó giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Công việc này cần dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân". "Yên dân" cần được coi là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lợi ích quốc gia, dân tộc cần được đảm bảo cao nhất, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Một tuần qua, Trung ương đã bàn, cho ý kiến về các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình cải cách tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 11 về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Trung ương cũng thảo luận tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 9 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổng kết 10 năm Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14.
Trung ương bầu ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương vào Ban Bí thư; bầu bổ sung ba Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trung ương cách tất cả chức vụ trong Đảng với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Ông Điểu K'ré, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đăk Nông, được cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương khóa 13.