"Trong 13 năm giữ cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều quyết sách đột phá quan trọng, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới", TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ về những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kinh tế Việt Nam.
Năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ 11 thông qua Cương lĩnh về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình này này có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và phân phối; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau khi Cương lĩnh được ban hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu hai quan điểm lớn để triển khai. Đó là Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, gắn với hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. "Quan điểm này của Tổng Bí thư đến nay vẫn phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu thế thời đại", ông Kiên nói.
Theo ông, chỉ khi xây dựng được nền kinh tế độc lập thì Việt Nam mới nâng cao được vị thế trên thế giới và quyền lợi dân tộc được đảm bảo ở mức cao nhất. Hai quan điểm lớn nêu trên là cơ sở để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm qua và là một trong số ít nước tăng trưởng tốt trong hai năm đại dịch Covid-19 (2020-2021).
Trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng Bí thư, "ý tưởng thành công nhất của ông Nguyễn Phú Trọng là xây dựng được quan điểm phát triển kinh tế xuyên suốt". Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở để hàng loạt luật quan trọng tác động trực tiếp vào nền kinh tế được sửa đổi, như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu...
GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế đặc biệt, vừa tuân theo những nguyên tắc và quy luật của hệ thống kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng kiên định này là điểm nhấn quan trọng trong 13 năm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Mong muốn cháy bỏng của ông là Việt Nam tiếp nhận được tất cả những ưu điểm của kinh tế thị trường nhưng theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đảm bảo dân giàu, nước mạnh. "Quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự đột phá trong tư duy và thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Tổng Bí thư và Trung ương", GS Cường nhận định.
Kinh tế tư nhân là động lực
Tháng 12/2011, gần một năm sau khi được bầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đủ năng lực, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
12 năm sau, tháng 10/2023, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới, đặt mục tiêu năm 2030 Việt Nam có đội ngũ doanh nhân quy mô, có trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công - nông nghiệp.
Sau hai nghị quyết nêu trên, đến năm 2024, Việt Nam có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú USD của thế giới, 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, gần 58 triệu phú có tài sản hơn 100 triệu USD.
Đáng chú ý, năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó xác định khối này "là động lực quan trọng để phát triển kinh tế". Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP.
Nghị quyết 10 nêu mục tiêu phấn đấu 1,5 triệu đến 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, 2030; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tỷ trọng đóng góp vào GDP năm 2025 đạt 55% và 2030 đạt 60-65%. Để làm được điều này, nhiều chính sách được áp dụng như tạo môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; thực hiện nghiêm quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản.
Theo GS Cường, trước đây các nghị quyết của Đảng không phân biệt các thành phần kinh tế, nhưng lúc bấy giờ đã coi "kinh tế tư nhân là động lực quan trọng". "Đây là sự đổi mới trong quan điểm phát triển kinh tế của Tổng Bí thư và Đảng", ông Cường nói và cho rằng nghị quyết này là cơ sở để Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, làm ăn chân chính như hiện nay.
Xây tổ đón đại bàng
Ngày 21/8/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề để định hướng trong các năm tới.
Nghị quyết 50 đặt mục tiêu vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD một năm); vốn thực hiện 100-150 tỷ USD. Giai đoạn 2026-2030 vốn đăng ký 200-300 tỷ USD, vốn thực hiện 150-200 tỷ USD. Quan điểm của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại.
Theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài này, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều tập đoàn nước ngoài đến đầu tư. Việt Nam được coi là điểm đầu tư triển vọng và tin cậy, là đại bản doanh của các tập đoàn lớn, cung cấp nhiều sản phẩm cho thế giới, nhất là ngành điện tử.
Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD.
Ba tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2023. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu trong thu hút FDI, trên 3,9 tỷ USD, chiếm gần 64% vốn ngoài vào Việt Nam. Bất động sản, bán lẻ lần lượt ở vị trí thứ hai và ba. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử được đầu tư mới và mở rộng vốn trong quý I.
Ông đặc biệt ấn tượng với các chỉ số kinh tế dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ năm 2010 đến 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng từ 104,6 tỷ USD lên 430 tỷ USD (tăng hơn 4 lần); thu nhập bình quân đầu người tăng tương ứng từ 1.168 USD lên 4.284 USD (3,6 lần). Năm 2010, kinh tế Việt Nam xếp 55 thế giới, hiện vươn lên thứ 35. Trong khu vực Đông Nam Á, năm 2010, kinh tế Việt Nam đứng thứ 6, đến 2022 vượt lên vị trí thứ 4.
"Dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà là mang lại cơm no, áo ấm cho mọi người dân, tạo sự công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế", ông Cường đánh giá.