Trong bài viết "Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra "yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ông nói mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam từ năm 1945 đến nay cơ bản ổn định gồm ba khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, trong văn kiện nhiều Đại hội đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy; nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Sau 7 năm thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ. Một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo. Phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng.
Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "bộ trong bộ". Tinh giản biên chế mới giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư cho rằng sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách chậm đi vào cuộc sống.
Sự chồng chéo và phân định không rõ nhiệm vụ dẫn đến "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua "nhiều cửa" thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới "là trái với quy luật phát triển, tạo ra tâm lý nói không đi đôi với làm".
Theo Tổng Bí thư, để đạt được những mục tiêu chiến lược vào thời điểm 100 năm Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm lập nước không chỉ đòi hỏi "những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi". "Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", ông khẳng định.
Người đứng đầu Đảng cho rằng phải xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, các cơ quan tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Các cơ quan đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất, kiến nghị với Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị cần được hoàn thiện gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải đi đôi với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cán bộ cần được thực hiện khoa học, minh bạch, dựa trên kết quả làm việc cụ thể; không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Phải có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Dẫn câu nói của Lênin về cải tiến bộ máy Nhà nước "Phải tuân theo quy tắc thà ít mà tốt", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp. "Việc này đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp", ông nói.
* Toàn văn bài viết Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả của Tổng Bí thư Tô Lâm
Viết Tuân