Sáng 2/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội Công đoàn khóa 13.
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm của Công đoàn khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống trong chăm lo quyền lợi lao động, nhất là giai đoạn trong và sau đại dịch. Song Công đoàn cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập tồn tại từ lâu, nhất là nhiều hoạt động chưa bắt kịp chuyển động kinh tế xã hội và đời sống lao động, phân tích kỹ nguyên nhân hạn chế, có giải pháp khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này.
Tổng bí thư gợi mở 5 vấn đề để Đại hội nghiên cứu. Trong bối cảnh tình hình thế giới lẫn trong nước còn nhiều biến động, tác động tới việc làm, thu nhập lẫn đời sống lao động, ông đề nghị Công đoàn Việt Nam nghiên cứu xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, có chiến lược chứ không đi từng bước một. "Kêu gọi lao động thì phải có chế độ đãi ngộ, chăm lo đời sống cho anh chị em", ông nói.
Theo Tổng bí thư, mỗi cán bộ công đoàn phải luôn đặt câu hỏi người lao động vào tổ chức để làm gì, có quyền lợi hay khó khăn, thiệt thòi gì không. Họ vào phải chăng là để được gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và tin tưởng rằng công đoàn sẽ đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Để từ đó công đoàn sâu sát, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Việc chăm lo phải thiết thực, từ bữa ăn giấc ngủ đến hiểu rõ niềm vui nỗi buồn của lao động và gia đình họ. Vai trò đại diện của công đoàn thể hiện rõ ràng nhất khi kịp thời chuyển tải mong muốn, bức xúc của người lao động về điều kiện làm việc, nhà ở, y tế, phúc lợi; hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không để các phần tử xấu kích động công nhân làm việc trái pháp luật.
Trong bối cảnh các hình thức việc làm mới xuất hiện, nhu cầu tập hợp của người lao động cũng thay đổi theo. Công đoàn các cấp cần căn cứ nguyện vọng của lao động để đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp và thu hút thêm đoàn viên. Hoạt động phải thực chất, mang lại lợi ích để công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.
Theo Tổng bí thư, một nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu ra Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động khóa 13. Các đại biểu cần nêu cao trách nhiệm, sáng suốt, công tâm chọn người có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, năng lực, trách nhiệm cao vào Ban Chấp hành khóa mới.
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang, Đại hội nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, như tiếng nói công đoàn nhiều nơi chưa đủ mạnh, để tình trạng chủ doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng quyền lợi lao động; chưa giải quyết được bức xúc của công nhân về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, trường học...
Công đoàn xác định tình hình thế giới có nhiều thách thức, ít nhất trong 5 năm tới. Đại hội vì thế xác định ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới, gồm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.
"Công đoàn sẽ kiên trì mục tiêu nâng cao phúc lợi xã hội cho lao động, giải quyết căn bản vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, hạn chế, phòng ngừa tín dụng đen trong công nhân", ông Khang cho hay.
Đại hội Công đoàn 13 (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra ngày 1-3/12 với 1.100 đại biểu cả nước tham dự. 5 năm qua, Công đoàn tham gia đàm phán nâng lương tối thiểu vùng thêm 25,34% so với đầu nhiệm kỳ; kìm giảm hơn 55 % số cuộc ngừng việc tập thể so với giai đoạn 2013-2018; kết nạp mới 4,4 triệu đoàn viên công đoàn.
Hồng Chiêu