Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 7/1 gây sốc khi tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để sáp nhập đảo Greenland và giành quyền kiểm soát kênh đào Panama. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại một tổng thống đắc cử Mỹ công khai đề cập đến ý tưởng giành lãnh thổ nước khác bằng vũ lực.
Phát biểu này phản ánh bước phát triển mới nhất của chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" mà ông Trump theo đuổi, đi từ cách tiếp cận theo chủ nghĩa biệt lập trong nhiệm kỳ đầu tiên sang chính sách mang tính can thiệp hơn, tìm cách sáp nhập lãnh thổ mới nhằm thể hiện vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, giới chuyên gia nhận định.
Tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, khi xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine và Trung Đông, còn Nga cùng Trung Quốc tiếp tục tăng cường vị thế chiến lược trên trường quốc tế. Ông đã cảnh báo về loạt đòn thuế quan mạnh mẽ có thể khiến Mỹ bất đồng quan điểm với hầu hết các nước còn lại trên thế giới, trong đó có cả quốc gia láng giềng Mexico và Canada.
Ông tin rằng đây là những biện pháp cần thiết nhằm "vực dậy nước Mỹ" sau 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, người mà Trump cho là đã "đẩy nước Mỹ tới bờ vực sụp đổ".
"Trong vài tháng từ khi tôi thắng cử, toàn bộ nhận thức của thế giới đã khác. Người dân từ các quốc gia khác đã gọi cho tôi, họ cảm ơn", ông Trump nói. "Chúng ta sẽ phải giải quyết một số vấn đề lớn đang diễn ra ngay lúc này".
Trong thông điệp mới nhất, ông Trump tiếp tục củng cố quan điểm về việc sáp nhập cả Greenland và Canada, cũng như giành quyền kiểm soát kênh đào Panama vì cả lý do chiến lược lẫn kinh tế.
Ông hứa sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự, chỉ gây áp lực kinh tế, để biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, nhưng không đưa ra cam kết tương tự đối với Greenland và Panama.
Tổng thống đắc cử cho rằng ông đã có cách nhìn khác về thế giới, do bối cảnh địa chính trị thay đổi giữa các nhiệm kỳ tổng thống. Trump tuyên bố trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã "đánh bại IS" và thế giới "không có chiến tranh". Còn hiện tại, ông đang trở lại nắm quyền với "một thế giới bùng cháy".
Trong khi nhiều cam kết về chính sách đối ngoại có vẻ không phù hợp với quan điểm ưu tiên trong nước lâu nay của ông, Trump không ít lần lập luận rằng những động thái này đều vì lợi ích an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế.
Theo bình luận viên Vivian Salama và Alexander Ward của WSJ, việc sáp nhập Greenland, Canada và kiểm soát kênh đào Panama bằng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế sẽ là một bước ngoặt chóng vánh thoát khỏi chính sách đối ngoại truyền thống mà Mỹ đã duy trì nhiều thập kỷ qua.
Nếu ông Trump thực hiện dù chỉ một phần trong những gì ông mô tả, điều này có thể mang tới những thay đổi sâu rộng về vai trò toàn cầu của Mỹ, tạo cơ hội cho các đối thủ tận dụng để tăng cường công kích Mỹ và buộc các đồng minh không còn được Washington hậu thuẫn phải tìm kiếm những thỏa thuận an ninh, kinh tế mới.
Tổng thống đắc cử Mỹ cho rằng cần phải thay đổi chính sách đối ngoại vì ngay cả đồng minh thân cận nhất cũng đang đối xử bất công với Washington, rằng Mỹ đã trao lại kênh đào cho Panama mà không nhận lại được gì, và Trung Quốc đang tiến vào nơi mà Mỹ đáng lẽ phải thống trị tại Tây Bán cầu.
Nhưng việc Trump sẵn lòng nêu ra những ý tưởng như vậy vẫn khiến một số người kinh ngạc.
"Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như thế này, ít nhất là trong cuộc đời tôi, từ một tổng thống Mỹ", Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Barack Obama, nhận xét. "Khi các đồng minh và đối tác mạnh nhất mất lòng tin vào Mỹ, sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp cả".
Ông Trump gần đây còn đưa ra những ý tưởng gây bất bình khác, như yêu cầu các thành viên NATO chi 5% GDP cho quốc phòng, mức mà ngay cả Mỹ cũng không đạt được. Dù vậy, những lời đe dọa ông đưa ra với Greenland, Canada và Panama là khiêu khích nhất và thu hút nhiều quan tâm hơn cả.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng những tuyên bố sáp nhập của ông Trump đều không khả thi trên thực tế. Mỹ không thể đem quân tấn công Greenland, hòn đảo thuộc Đan Mạch, một thành viên NATO, cũng như không thể duy trì lực lượng quân sự chiếm đóng lâu dài kênh đào Panama như những gì họ làm nhiều thập kỷ trước. Hơn 80% người Canada cũng phản đối ý tưởng sáp nhập vào Mỹ.
Một số cố vấn hiện tại và trước đây của ông Trump lưu ý những bình luận "sáp nhập" của Tổng thống đắc cử không nên được hiểu theo nghĩa đen, khẳng định chúng không đi quá xa tư duy chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.
Theo các cố vấn, tuyên bố sáp nhập Canada thực tế chỉ là lời đe dọa nhằm giành đòn bẩy trước các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Ottawa. Cảnh báo lấy lại kênh đào Panama có thể là một mưu mẹo để đảm bảo mức phí thấp hơn cho các chiến hạm, tàu hàng Mỹ đi qua tuyến hàng hải huyết mạch này. Nỗi ám ảnh của ông về việc mua lại Greenland nhiều khả năng liên quan đến việc tiếp cận các khoáng sản dồi dào tại đây và ngăn chúng "rơi vào tay Trung Quốc".
"Có ý kiến cho rằng ưu tiên số một mà chúng ta cần đặt ra là bảo vệ Tây Bán cầu khi các đối thủ chiến lược đang tiếp cận sân sau của chúng ta", Alexander Gray, chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho hay. "Bạn phải xem Greenland và Panama qua lăng kính đó".
Trước những lo ngại rằng ông Trump có thể thực hiện những lời đe dọa trên, các cố vấn dẫn chứng cam kết mà ông đưa ra trong lần đầu tranh cử vào Nhà Trắng là bắt Mexico trả tiền cho bức tường biên giới mà ông muốn xây ở phía nam.
Trump sau đó đã ngừng nói đến ý tưởng này khi những khó khăn trong việc thực hiện trở nên rõ ràng và các vấn đề khác được ưu tiên hơn.
Theo giới phân tích, ông Trump từ lâu đã sử dụng lời lẽ khoa trương như một công cụ đàm phán cũng như gây áp lực, và trường hợp này có thể tương tự, đặc biệt khi đề cập đến khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.
Nếu Mỹ dùng vũ lực để kiểm soát Greenland, hỗn loạn sẽ nổ ra giữa các đồng minh trong NATO, thậm chí thổi bùng một cuộc chiến đẫm máu. Bởi vậy, những lời lẽ đe dọa kiểu này đều không thể trở thành hiện thực, ít nhất là trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Với những tuyên bố khoa trương, Tổng thống đắc cử dường như còn muốn tạo bầu không khí hứng khởi cho đám đông ủng hộ ông, những người hào hứng với quan điểm về vai trò thống trị của Mỹ trên trường quốc tế và thích thú khi nhìn thấy những người theo chủ nghĩa tự do phản ứng thái quá trước lời ông nói, bình luận viên Brett Samuels của Hill nhận định.
Với tinh thần đó, Trump hôm 7/1 tuyên bố ông sẽ sớm đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ".
Nhiều đồng minh của Trump đã hoan nghênh ý tưởng này trên mạng xã hội. "Tôi sẵn sàng ở đây vì điều đó", cựu hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz viết.
Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene nhanh chóng tuyên bố bà sẽ đề xuất đạo luật để chính thức hóa ý tưởng đổi tên này trên bản đồ của chính phủ. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã mỉa mai ý tưởng này, thậm chí còn đùa rằng nên đổi tên Bắc Mỹ thành "Mỹ thuộc Mexico".
Nhưng ý tưởng về một nhiệm kỳ thứ hai với chính sách can thiệp ngày càng công khai và quyết liệt của ông Trump đã gây bất bình ở nước ngoài.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 7/1 cho biết Greenland "không phải để bán và sẽ không bao giờ bị bán trong tương lai".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày tuyên "không có cơ hội nhỏ nhoi nào ở địa ngục rằng Canada sẽ trở thành một phần của Mỹ".
Người có tiềm năng thay thế ông, lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre, khẳng định Canada "sẽ không bao giờ là bang thứ 51 của Mỹ".
Tổng thống Panama José Raúl Mulino trước đó bác bỏ đề xuất của Trump về việc Mỹ tiếp quản kênh đào, vốn được xây dựng vào đầu những năm 1900 và bàn giao cho Panama theo một hiệp ước vào năm 1977.
Tuy nhiên, ông Trump không phải người dễ dàng chấp nhận ý kiến phản đối hay bối rối trước chỉ trích từ các lãnh đạo thế giới. Việc họ phản kháng thậm chí có thể khiến ông thêm phần mạnh tay hơn nhằm gây ra nỗi đau kinh tế cho những quốc gia này, Samuels lưu ý.
Trả lời bài đăng trên mạng xã hội của Thủ tướng Trudeau, nhà hoạt động bảo thủ Charlie Kirk, người ủng hộ Tổng thống đắc cử Mỹ, đã viết rằng khi Canada "chơi phòng thủ, đó cũng là lúc họ rơi vào thế thua!".
Vũ Hoàng (Theo Politico, WSJ, Hill)