Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế xã hội năm 2025; tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô lâm khẳng định "chúng ta đã đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc".
"Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa", Tổng Bí thư phát biểu.
Ông nhấn mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước". Vấn đề này đã được nhiều Đại hội Đảng từ các nhiệm kỳ trước đặt ra, đặc biệt là Đại hội 12 đến nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, "thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức".
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u", ông nói.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải quyết tâm thực hiện chủ trương này. Đây là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, "không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị".
Tinh thần là "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng". Các cơ quan đề xuất mô hình mới trong tháng 12; báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.
Người đứng đầu Đảng yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.
Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...
Tổng Bí thư yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực. Tinh giản "không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp".
"Tinh thần là không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém", ông nói, cho biết cán bộ trước và sau khi sắp xếp sẽ được đào tạo, bồi dưỡng lại để đáp ứng yêu cầu cao hơn.
Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương.
Tháo gỡ điểm nghẽn để đất nước "cất cánh"
Tổng Bí thư cho rằng để đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội 13 đề ra, cần đổi mới tư duy, cởi trói, quyết đoán, bứt phá, vượt lên chính mình.
Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân năm 2030 và thu nhập cao năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. "Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian", ông nói.
Theo Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế phát triển, thủ tục hành chính. Mục tiêu tăng trưởng hai con số ngay từ thời gian này "là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được".
Để đạt mục tiêu nêu trên, Tổng Bí thư yêu cầu đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Ghi nhận những kết quả bước đầu về đổi mới tư duy sâu sắc trong xây dựng pháp luật, nhưng Tổng Bí thư cho rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông "điểm nghẽn của điểm nghẽn này".
"Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm", Tổng Bí thư phát biểu.
Ông yêu cầu các địa phương trăn trở, suy nghĩ trên chính mảnh đất của mình để sáng tạo phát triển. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
"Ngoài nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, rất cần sự hưởng ứng của người dân để giải phóng sức lao động, sức sản xuất, huy động nguồn vốn vật chất và tinh thần", ông nói.
Cán bộ không đáp ứng được yêu cầu thì đứng sang một bên
Theo Tổng Bí thư, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Các văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng đã được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học. Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới đã được biên tập nhiều lần, đến nay đã đủ điều kiện để gửi đại hội đảng các cấp đóng góp ý kiến.
Dự thảo tóm tắt 4 văn kiện này sẽ được gửi đến cấp cơ sở trước ngày 15/12/2024; Dự thảo đầy đủ sẽ gửi đến cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương trước ngày 31/3/2025. Cấp ủy các cấp cần sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện trên.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện để trình Đại hội 14 với tinh thần bám sát hơi thở cuộc sống, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Văn kiện phải trở thành "sách giáo khoa", "từ điển" để khi cần thì "tra" vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường"; hạn chế tối đa việc phải tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị quyết Đại hội 14. Tổng Bí thư cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học hỏi để nâng mình lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm".
Hàng loạt "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội được Tổng Bí thư nêu và yêu cầu khắc phục, như: Người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích.
"Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với nhân dân", Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu và đề nghị các đại biểu dự hội nghị quyết tâm cao nhất hoàn thành sớm tinh gọn bộ máy, góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội 14; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.
Viết Tuân