Với nhiều người Palestine, việc phải rời bỏ quê hương là nỗi sợ hãi đã ăn vào tâm trí. Nó theo họ từ cuộc chiến dẫn đến sự ra đời của nhà nước Israel, cho đến thảm họa di cư Nakba năm 1948, khi khoảng 700.000 người Palestine bị đuổi khỏi nhà tại những khu vực ngày nay thuộc về Israel.
Giờ đây, nỗi ám ảnh bị trục xuất đang bao trùm hơn hai triệu cư dân của Dải Gaza, khi các cuộc tấn công của Israel nhằm đáp trả Hamas trên vùng lãnh thổ này đã khiến hơn 9.000 người thiệt mạng, buộc họ phải chạy trốn về phía nam và sống trong cảnh thiếu thốn cùng cực.
Nỗi lo đó càng gia tăng khi chính phủ Israel xác nhận đã tính đến phương án đưa toàn bộ dân Gaza tới bán đảo Sinai của Ai Cập. Theo "kế hoạch giả định" được Bộ Tình báo Israel soạn thảo, khoảng 2,3 triệu dân Gaza sẽ được đưa đến các khu lều trại ở phía bắc bán đảo Sinai, sau đó xây dựng các khu định cư lâu dài và thiết lập một hành lang nhân đạo để hỗ trợ họ. Israel cũng sẽ thiết lập một vành đai an ninh dọc biên giới với Ai Cập để ngăn dòng người tị nạn trở về.
Nhưng ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bên liên quan, đặc biệt là với người dân Dải Gaza. Đối với người Palestine, sơ tán tới Ai Cập không phải là điều họ mong muốn, khi chứng kiến những gì xảy ra với những đồng hương phải rời bỏ nhà cửa tới nước này 75 năm trước.
Những người Palestine tới Ai Cập sau sự kiện Nakba tới nay vẫn không được công nhận là người tị nạn hay công dân. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị từ chối các quyền cơ bản như giáo dục và y tế miễn phí, mặc dù đã cư trú tại Ai Cập trong nhiều thập kỷ.
Những người Palestine đầu tiên tới Ai Cập dưới thời cố tổng thống Gamal Abdul Nasser (1954-1970) đã được chào đón nồng nhiệt và hưởng các quyền bình đẳng như công dân sở tại. Họ có cơ hội làm việc trong cơ quan nhà nước hay được hưởng giáo dục miễn phí ở cả cấp phổ thông và đại học. Người Palestine được miễn hầu như mọi hạn chế mà những người nước ngoài khác cư trú tại Ai Cập phải chịu.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi tổng thống Anwar Sadat lên nắm quyền năm 1970. Ông đã ký hiệp ước hòa bình với Israel tại Trại David năm 1978 và tước bỏ tất cả các quyền mà người Palestine được hưởng dưới thời người tiền nhiệm.
Vụ một nhóm vũ trang Palestine ám sát bộ trưởng văn hóa Ai Cập Yusuf al-Sibai vào đầu năm 1978 cũng đóng vai trò quyết định trong thái độ thù địch mới của Ai Cập đối với những người tị nạn Palestine.
Áp lực tiếp tục gia tăng với người Palestine ở Ai Cập sau cuộc đảo chính quân sự năm 2013 nhằm lật đổ tổng thống Mohamed Morsi, đưa ông al-Sisi lên nắm quyền.
Với chính sách ngày càng siết chặt, Ai Cập không trao quốc tịch cho người Palestine, mà chỉ cấp giấy thông hành có thời hạn 3-5 năm. Một số người có giấy phép cư trú khi kết hôn với người Ai Cập hoặc ký hợp đồng làm việc với một công ty tư nhân ở địa phương, nhưng cần được gia hạn thường xuyên với chi phí cao.
Amal, ngoài 50 tuổi, đã cùng gia đình sơ tán khỏi thành phố Rafah của Palestine sau sự kiện Nakba để chuyển đến bán đảo Sinai, trước khi tới định cư ở Cairo. Bà nói rằng các lý do đằng sau việc từ chối cấp quốc tịch cho người Palestine "không thể biện minh cho tất cả những vấn đề khác mà người Palestine gặp phải ở Ai Cập, vốn đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Amal bị bệnh tim nhưng không được sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí của nhà nước vì bà được xếp vào danh sách "người nước ngoài" theo luật pháp Ai Cập.
Bên cạnh những lo ngại về sức khỏe và việc trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, Amal còn liên tục phải đau đầu về việc gia hạn giấy phép cư trú với mức phí ngày càng tăng. Hiện tại, bà không còn khả năng chi tiền để xin gia hạn giấy phép và buộc phải sống "chui" ở Ai Cập.
Một số quan chức Ai Cập bảo vệ chính sách trên, cho rằng việc cấp quốc tịch tràn lan cho người Palestine sẽ đe dọa bản sắc và nguồn gốc của họ. Lập luận này bắt nguồn từ nghị quyết 462 do Liên đoàn Arab ban hành năm 1952, quy định chính sách của Liên đoàn đối với người tị nạn Palestine cần phải dựa trên nguyên tắc là cuối cùng họ sẽ trở về quê hương và hạn chế việc nhập tịch.
Nhưng khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ tại Dải Gaza đã làm tăng áp lực quốc tế lên các nước Arab, đặc biệt là Ai Cập, yêu cầu họ mở cửa biên giới cho người tị nạn Palestine.
Ai Cập đến nay vẫn từ chối làm điều này, chỉ cho phép vài trăm người nước ngoài và vài chục người Palestine bị thương rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah trong tuần qua.
Họ có lý do cho hành động đó, không chỉ vì những lo ngại về hệ lụy kinh tế và an ninh từ làn sóng tị nạn, mà còn liên quan cả đến vấn đề lịch sử, đặc biệt nếu người tị nạn không thể quay về Gaza, nơi họ đã xây dựng cuộc sống suốt nhiều năm qua, sau khi chiến sự kết thúc.
"Chúng tôi tái khẳng định quan điểm phản đối kịch liệt việc cưỡng bức di dời người Palestine và chuyển họ đến bán đảo Sinai", Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo hôm 21/10.
Việc đưa hơn 2 triệu người tới bán đảo Sinai sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho Ai Cập, nhất là bởi Cairo khó có đủ nguồn lực tài chính để tiếp nhận lượng dân tị nạn lớn như vậy. Tình hình càng khó khăn hơn khi Ai Cập đang quay cuồng với khủng hoảng kinh tế, nợ công tăng vọt, xếp hạng tín dụng lao dốc và giá trị đồng tiền suy yếu.
Gần 20 năm trước, học giả người Palestine Oroub El-Abed đã viết trong một bài nghiên cứu rằng các chính sách của Ai Cập với người tị nạn Palestine đã khiến các quyền cơ bản của họ bị xói mòn nghiêm trọng. Theo bà, cuộc sống và tình trạng "không được thừa nhận" ở bên rìa xã hội Ai Cập của người Palestine từ đó đến nay không có nhiều thay đổi.
"Họ khiến những người Palestine phải sống trong điều kiện kinh tế xã hội suy thoái và hầu như không có quyền lợi chính đáng, đến mức phần lớn người Palestine sống tại Ai Cập buộc phải che giấu nguồn gốc của mình", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo TIME, Arab News)