Trong lúc nhiều quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại, Thụy Điển vẫn thực thi chiến lược ứng phó "một mình một kiểu" trước Covid-19, khi các trường học, nhà hàng và quán cafe ở nước này vẫn mở cửa, đám đông vẫn tụ tập ở công viên.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven muốn dựa vào ý thức của dân chúng để đưa đất nước vượt qua đại dịch, dù nước này đã ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19. Chính sách "miễn dịch cộng đồng" này của Thụy Điển cũng khiến cả thế giới hoang mang.
Thụy Điển hiện ghi nhận 6.443 ca nhiễm nCoV, tăng 31 ca trong 24 giờ qua, trong đó 205 người đã hồi phục và 373 người chết. Số người chết tại quốc gia Bắc Âu hôm nay tăng thêm 15, tương đương 12% so với hôm trước. Tỷ lệ người nhiễm nCoV ở Thụy Điển là 36 trên một triệu dân, cao hơn so với tỷ lệ 29 tại Đan Mạch và 9 ở Na Uy, hai quốc gia láng giềng đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Sau một tuần ghi nhận những số liệu giật mình, Thủ tướng Lofven dường như đang nhận ra bức tranh toàn cảnh u ám hơn mình nghĩ. Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Dagens Nyheter tối 4/4, Lofven cảnh báo hàng nghìn người tại Thụy Điển có thể chết vì nCoV và cuộc khủng hoảng có thể kéo dài hàng tháng thay vì hàng tuần.
Trong khi đó, tờ Expressen đưa tin chính phủ do đảng Dân chủ Xã hội của Lofven đứng đầu đang tìm cách được trao quyền để qua mặt quốc hội và đưa ra biện pháp ứng phó quyết liệt hơn với Covid-19.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell nói mục tiêu của quốc gia Bắc Âu này giống nhiều nước khác là "làm phẳng đường cong", giúp các bệnh viện tránh rơi vào tình trạng quả tải. Tegnell nói đường cong "trở nên hơi dốc hơn" vào hôm 2/4, song "nhìn chung còn khá phẳng".
Tuy nhiên, Covid-19 là đại dịch còn nhiều bí ẩn và cách tiếp cận của Thụy Điển khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng. "Họ quá quen với việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, song điều đó vô tác dụng với đại dịch thế này, khi các dữ liệu chính vẫn còn là ẩn số", Claudia Hanson, giảng viên cao cấp về y tế cộng đồng toàn cầu ở Stockholm, nói.
Lịch sử cho thấy cách biệt cộng đồng trước những đại dịch như Covid-19 là cách ứng phó khôn ngoan. Khoảng 100 năm trước, hai thành phố tại Mỹ có kết cục khác nhau khi áp dụng cách đối phó khác nhau với đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918.
Philadelphia, thành phố tổ chức cuộc tuần hành với 200.000 người tham gia sau khi phát hiện ca nhiễm cúm Tây Ban Nha đầu tiên năm 1918, đã chứng kiến số người chết gia tăng đột biến. Trong khi đó, thành phố St. Louis thông báo số người chết chưa bằng một nửa tại Philadelphia nhờ giới chức ban hành các quy định cách biệt cộng đồng ngặt nghèo.
Cái giá phải trả về kinh tế của việc phong tỏa xã hội khiến tranh cãi về biện pháp ứng phó đại dịch càng trở nên gay gắt. Khi phần lớn các quốc gia trên thế giới ban hành lệnh hạn chế đi lại, Thụy Điển vẫn nỗ lực giữ cho nền kinh tế mở cửa để tránh tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo GDP năm nay của Thụy Điển có thể giảm tới 8%, tồi tệ hơn đợt khủng hoảng 2008-2009.
Trước những số liệu ngày càng đáng báo động về Covid-19, Thụy Điển đã ban hành một vài biện pháp hạn chế chặt hơn, bao gồm cấm các cuộc tụ họp từ 50 người trở lên thay cho 500 người trước đây, các nhà hàng chỉ được phục vụ khách quen ngồi tại bàn thay vì tại quầy bar, các viện dưỡng lão cấm hoạt động thăm thân. Thủ tướng Lofven cũng đưa ra các khuyến cáo rõ ràng hơn trước cho người dân Thụy Điển.
Song các biện pháp của Thụy ĐIển còn kém xa nhiều nước về mức độ nghiêm ngặt. Tại nước láng giềng Đan Mạch, công dân có thể bị phạt nặng hoặc thậm chí lĩnh án tù vì vi phạm luật phòng chống Covid-19. Chính phủ Đan Mạch còn nới lỏng quy định trục xuất người nhập cư để ngăn nCoV, dù điều này gây tranh cãi.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,2 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 64.000 người chết và hơn 246.000 người đã hồi phục. Anh từng được cho là áp dụng chiến lược ứng phó tương tự Thụy Điển, nhưng thay đổi chính sách sau khi các dự báo cho thấy hơn nửa triệu người nước này có thể chết nếu không có các biện pháp phong tỏa ngăn nCoV.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)