"Chúng tôi đã chuẩn bị hai dự luật. Theo đó, Thụy Điển sẽ không cho phép NATO triển khai quân thường trực hoặc bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong thời bình. Tuy nhiên, thời chiến thì khác, tất cả thành viên NATO sẽ được hưởng lợi từ 'ô hạt nhân', điều nên tồn tại chừng nào Nga còn sở hữu vũ khí nguyên tử", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 13/5 cho biết.
"Trong thời chiến, đó là một vấn đề hoàn toàn khác, phụ thuộc hoàn toàn vào điều gì sẽ xảy ra", ông nói thêm. "Trong trường hợp xấu nhất, các quốc gia dân chủ ở khu vực phải có khả năng tự bảo vệ mình trước những nước có thể đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân."
Ông nhấn mạnh mục đích Thụy Điển gia nhập NATO, cũng như mục đích nước này xây dựng năng lực phòng thủ, là nhằm đảm bảo tình huống đó không xảy ra. Nếu Kiev là thành viên NATO, "Nga đã không phát động chiến dịch tại Ukraine", ông cho hay.
Thụy Điển hồi tháng 3 đã gia nhập NATO, kết thúc hai thế kỷ không liên kết quân sự. Vào tháng 6, quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu về Thỏa thuận Hợp tác Quân sự (DCA) mà chính quyền đã ký với Mỹ tháng 12/2023. Thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Thụy Điển cũng như cất vũ khí, thiết bị quân sự tại quốc gia này.
Hiệp hội Phán xử và Hòa bình Thụy Điển, tổ chức phi chính phủ hướng đến hòa bình và giải giáp vũ khí, cùng nhiều tổ chức khác gần đây đẩy mạnh kêu gọi chính phủ đưa vào DCA điều khoản không cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của Stockholm.
Chính phủ Thụy Điển nhiều lần khẳng định không cần thiết phải làm vậy, viện dẫn "sự đồng thuận rộng rãi về vũ khí hạt nhân" ở nước này và quyết định trước đó của quốc hội về việc cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong thời bình.
Thủ tướng Kristersson cũng khẳng định Thụy Điển mới là bên quyết định có triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hay không, chứ không phải Mỹ. "Thụy Điển tự quyết định về vấn đề trên lãnh thổ của mình", ông nhấn mạnh.
Đan Mạch và Na Uy, hai nước láng giềng của Thụy Điển và là các đồng minh trong NATO, cũng đã từ chối cho phép nước ngoài triển khai quân thường trực hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ trong giai đoạn không có chiến sự.
Chia sẻ hạt nhân là một phần trong chính sách răn đe của NATO, cho phép bố trí vũ khí hạt nhân tại các nước thành viên không sở hữu năng lực này. Trong khuôn khổ chương trình, NATO đã triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12/2009. Washington có toàn quyền kiểm soát, vận hành các khí tài hạt nhân mà quốc gia này triển khai ở nước ngoài.
Tổng thống Ba Lan hôm 22/4 cho biết ông sẵn sàng để NATO bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ, song Tổng thư ký NATO sau đó nói khối chưa có ý định mở rộng chương trình chia sẻ hạt nhân.
Phạm Giang (Theo AFP)