-
11h25
Cần cơ chế thông suốt phát triển khoa học công nghệ
Ghi nhận ngành khoa học, công nghệ đạt nhiều thành quả, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế "nhận thức về khoa học chưa đầy đủ, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, sự phát triển chưa tương xứng với tầm vóc; cơ chế quản lý còn chưa phù hợp, chưa có cơ chế xứng đáng giữ chân nhân tài...". Bên cạnh đó, đầu tư còn hạn hẹp, thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm; cơ chế thương mại hóa còn hạn chế...
Ông mong các nhà khoa học chủ động đề xuất thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với các cơ quan nhà nước để có nguồn lực thực hiện nghiên cứu. Các cơ quan ban ngành cần có cơ chế chính sách, hạ tầng chiến lược thông suốt, quản trị thông minh, đổi mới sáng tạo là nền tảng.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, nếu tài nguyên thiên nhiên hữu hạn thì khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là vô hạn. Phát triển nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng, có ý nghĩa sống còn để bứt phá
Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển khoa học công nghệ, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học; nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt chú ý đến nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ, những người ở vùng sâu vùng xa; tăng cường thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành địa phương cần kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích họ dấn thân trong khoa học; khuyến khích sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám hy sinh, chấp nhận rủi ro.
-
11h15
Khoa học hiện diện trọng trong sự phát triển của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự hiện diện của khoa học và công nghệ tại các công trình lớn của quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu... "đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người".
Vừa qua, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hòa nhập quốc tế. Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, 5 bài học được rút ra là kiên trì, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Các bài học kinh nghiệm rút ra đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, xã hội và nhân văn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn số liệu xếp hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6, tăng bậc xếp hạng so với năm 2022. Trong 10 năm thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ 46 lên 76, và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia trung bình thấp.
Trong thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ông ghi nhận sự đeo bám không ngừng của nhà khoa học, vì sự đam mê đã góp phần vào kết quả chung của sự phát triển đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức Ngày khoa học và Công nghệ hàng năm, là dịp truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, đồng thời có tính hiệu triệu, kêu gọi lan tỏa cao hơn.
-
10h55
'Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn'
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm 65 năm thành lập và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 cho những nhà khoa học có thành tích xuất sắc.
Thủ tướng chúc mừng hai nhà khoa học được giải năm nay là PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thanh, PGS.TS Trần Mạnh Trí. Ông cho rằng, đây là những tấm gương của các nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học. Đây cũng là dịp nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành khoa học, tri ân sự cống hiến của bao thế hệ nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển đất nước", Thủ tướng nói.
Nói về ý nghĩa của khoa học công nghệ, người đứng đầu Chính phủ trích dẫn câu nói: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đóng góp của đội ngũ nhà khoa học trong kháng chiến kiến quốc, đóng góp vào chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thành công ấy không chỉ có sự đóng góp của khoa học kỹ thuật với việc chế tạo vũ khí, nghiên cứu y học, mở đường... mà còn có khoa học xã hội nhân văn với những câu chuyện viết nên, bài ca chiến thắng, họa sĩ, thể hiện tinh thần bất diệt thông qua các tác phẩm.
"Tất cả sự kiện quan trọng, chiến thắng hào hùng của dân tộc đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, như GS Tạ Quang Bửu, chiến sĩ Tôn Thất Tùng... Bên cạnh đó còn có ý chí, lòng dũng cảm, sự hy sinh vô bờ của lớp thế hệ cha anh đi trước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
-
10h49
'Sống vì đam mê sẽ được đền đáp xứng đáng'
Đại diện cho các nhà khoa học đạt giải, TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết chị rất bất ngờ khi được trao giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu, minh chứng cho tình yêu vật lý dành cho chị.
Vị tiến sĩ nhắn nhủ các bạn trẻ hãy sống vì đam mê vì khi đó sẽ được đền đáp xứng đáng. "Tình yêu dành cho Vậy lý của tôi từng trải qua đầy thử thách, nhiều lần tôi thấy thất bại muốn sang dạy học, hiện vẫn còn một số nghiên cứu nhiều năm nhưng chưa có kết quả, nhưng nhờ đam mê, tôi đã dần vượt qua tất cả khó khăn, thử thách", Tiến sĩ Kim Thanh nói.
Trong bài phát biểu, nhiều lần chị nghẹn lời khi nhắc về những ngày mới bước vào nghiên cứu. Chị nhớ lại khoảng thời gian nghiên cứu tại Pháp, từng nói với một người bạn nước ngoài nếu chị có bài đăng trên Physical Review Letters, chị sẽ bỏ nghiên cứu vật lý, vì ước mơ của chị khi đạt được rồi sẽ muốn sống mãi với ước mơ ngọt ngào đó.
"Giấc mơ năm nào đã thành hiện thực, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu vật lý chứ không ngủ vùi như từng nghĩ trước kia. Tôi nhận ra có nhiều vấn đề để nghiên cứu và sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ nếu muốn dành tình yêu cho vật lý", Tiến sĩ Kim Thanh cho hay.
-
10h45
Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc
Nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc. Đến nay, giải thưởng trở thành sự kiện quan trọng trong dịp Kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5.
Qua 10 năm tổ chức và triển khai, giải thưởng Tạ Quang Bửu đã tạo được uy tín trong cộng đồng khoa học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của xã hội. Sự thành công đó có được là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và chính phủ, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như những đóng góp quan trọng, trực tiếp trong suốt quá trình đánh giá, chọn lọc nghiêm cẩn, công tâm, khách quan của các thành viên Hội đồng khoa học Nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Hội đồng xét tặng giải thưởng với uy tín, trình độ chuyên môn cao.
Năm nay, giải thưởng được trao cho PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh. PGS.TS Trần Mạnh Trí đang công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen. Cụm công trình này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được trao giải thưởng qua 1 Công trình được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. GS Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
-
10h20
Sáng kiến khoa học giúp doanh nghiệp tiết kiệm 70 tỷ đồng mỗi năm
Trong phần phát biểu, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ về chặng đường hình thành và phát triển của tập đoàn.
Thaco được thành lập năm 1997, khởi đầu là doanh nghiệp sửa chữa ôtô đã qua sử dụng. Hiện, Thaco là tập đoàn công nghiệp đa ngành, bao gồm những ngành chính yếu của nền kinh tế đất nước: ôtô; nông nghiệp; cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; giao nhận vận chuyển; đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ, có tính bổ trợ và tích hợp cao.
Ông cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò tiên phong trong ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thaco xác định công nghệ là đòn bẩy, tạo lực đẩy cho hoạt động sản xuất, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, Thaco tập trung đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, và thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến trong hoạt động sản xuất và quản trị điều hành, hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thông minh, bao gồm:
Tối ưu hóa quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các hệ thống quản trị tích hợp như: hệ thống điều hành sản xuất (MES), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện các loại mang thương hiệu Thaco (bao gồm: xe tải, xe bus, xe du lịch, xe máy điện) và nền tảng kỹ thuật số nhằm cung cấp cho thị trường giải pháp vận chuyển thông minh, xanh, sạch tại các thành phố lớn trên cả nước.
Áp dụng giải pháp cải tiến quy trình công nghệ và layout, giải pháp robot hàn, công nghệ cắt laser CNC 3D, công nghệ hàn CMT giúp tăng tính tự động hóa và năng lực sản xuất. Trong đó, Thaco Industries cung cấp giải pháp công nghệ cho các tập đoàn thành viên của Thaco. Đồng thời, cung cấp giải pháp toàn diện về dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị... cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài theo mô hình all-in-one.
Triển khai ứng dụng các app mua sắm trực tuyến cho hệ thống siêu thị Emart Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao theo lộ trình phù hợp, quản trị trên nền tảng số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng giải pháp ERP cho hoạt động khai thác dịch vụ cảng; áp dụng phần mềm quản lý và theo dõi lộ trình vận chuyển hàng hóa, giao xe thành phẩm đến showroom ôtô của Thaco theo thời gian thực.
Ông khẳng định, quá trình phát triển của khối doanh nghiệp cả nước nói chung và Thaco nói riêng được Bộ Khoa học và Công nghệ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với vai trò là một trong các doanh nghiệp có những hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ, Thaco triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp nhà nước, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế và ngành khoa học công nghệ.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, hiện Thaco có hơn 9.300 kỹ sư R&D, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Mỗi năm, Thaco thực hiện hơn 200 đề tài sáng kiến và hơn 2.000 cải tiến (kaizen) trong sản xuất. Riêng năm 2023 có hơn 3.500 sáng kiến, cải tiến được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại giá trị công nghệ và kinh tế cao.
Với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo là quá trình nghiên cứu, phát triển, làm mới sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ hoặc mô hình sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều lợi ích và đóng góp cho xã hội những giá trị cao hơn.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu thế thị trường, góp phần hình thành hệ sinh thái đa ngành phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Điều này có được nhờ định hướng toàn diện của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, cũng như sự nghiêm túc thực hiện của doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, Thaco cam kết sẽ phối hợp với Bộ để tiếp tục triển khai các sáng kiến, chú trọng vào phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững", đại diện doanh nghiệp khẳng định.
-
10h10
Ngày càng nhiều phụ nữ Việt làm nghiên cứu khoa học công nghệ
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ trong xu thế toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức, cách mạng khoa học công nghệ, nhất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá có ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên đất đai, tài nguyên tự nhiên mà chính là con người với chất xám và khả năng sáng tạo mới là tài nguyên quý giá nhất; tri thức là tài nguyên duy nhất, càng khai thác, càng sinh sôi nảy nở và phát triển.
PGS Hồ Thanh Vân dẫn báo cáo tổ chức của tổ chức Liên hiệp quốc năm 2021, vào cuối những năm 1990, tỷ lệ nhà khoa học là nữ giới chiếm 27% trên toàn cầu. Đến năm 2014 tỷ lệ này tăng lên 30% và ngày đến nay tỉ lệ này chiếm 33% trong tổng số các nhà khoa học tức là chiếm 1/3 tổng số các nhà khoa học là nữ giới. Mặc dù số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang dần tăng lên trên toàn cầu nhưng sự tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế chỉ có 18% tỷ lệ nhà khoa học nữ giới giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở châu u và chỉ 12% thành viên của các học viện khoa học quốc gia trên toàn cầu là phụ nữ. Số liệu báo cáo này được các nước quan tâm nhiều bởi vai trò nghiên cứu của các nhà khoa học nữ và các công trình nghiên cứu của họ ngày càng cao và có đóng góp vai trò quan trọng trong nền khoa học công nghệ của một quốc gia.
Tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Bà ghi nhận "sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ ngành liên quan dành cho các nhà khoa học nữ ngày càng nhiều". Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình.
Bên cạnh những vinh quang ấy, bà cũng chia sẻ phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Vì bất kỳ người phụ nữ nào dù có thành công trong xã hội và đóng góp thành tựu khoa học quan trọng thì vẫn luôn phải hoàn thành nhiệm vụ và vai trò của người phụ nữ trong gia đình, đó là người vợ người mẹ. Tuy nhiên những người phụ nữ làm khoa học "vì đam mê và tâm huyết sẵn sàng hy sinh thời gian dành cho bản thân và biến áp lực rào cản thành động lực để họ được đóng góp và có những thành công nhất định".
Bà Hồ Thị Thanh Vân mong muốn lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong thời gian tới với những chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích lĩnh vực khoa học và công nghệ nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng ngày càng cụ thể hơn nữa.
Bà mong muốn trong thời gian tới có quỹ khoa học công nghệ dành cho các nhà khoa học nữ hay các cơ chế chính sách ưu tiên các chương trình khoa học công nghệ dành cho các nhà khoa học nữ có các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của quốc gia nhằm tạo điều kiện để các để họ phát huy hơn nữa năng lực, tri thức, chất xám, niềm đam mê tâm huyết để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
-
10h03
'Hải Phòng bứt tốc nhờ đổi mới sáng tạo'
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết năm 2023, địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện với nhiều điểm sáng.
Ông cho biết, Hải Phòng tăng trưởng kinh tế đạt 10,34%, 9 năm liền đạt tốc độ tăng trưởng hai con số; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả lịch sử với hơn 3,6 tỷ USD.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 14%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 45%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 59%; Kinh tế số đạt 29,48% GRDP, đứng thứ 4 cả nước.
Theo lãnh đạo thành phố, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số như: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và 2023 đứng thứ 3; Cải cách hành chính (PAR) năm 2022 và 2023 đứng thứ 2. Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 đứng thứ 5 cả nước. Hai năm liên tiếp 2022 và 2023, Hải Phòng được vinh danh Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam.
Đặc biệt, Hải Phòng đạt 52,32 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Thủ đô Hà Nội và TP HCM về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ.
"Đạt được những thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Hoàng Minh Cường nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, để có kết quả trên, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hải Phòng, còn có sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hải Phòng, nhiều hoạt động đã được triển khai và tạo ra những kết quả, chuyển biến.
Điều này được thể hiện trong các lĩnh vực: đánh giá, thẩm định, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phát triển thị trường khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; áp dụng thí điểm tiêu chuẩn ISO 18091:2020 trong hoạt động quản lý của chính quyền địa phương.
Tháng 11 tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với thành phố tổ chức Sự kiện Techfest Việt Nam năm 2024 tại Hải Phòng. Ông mong muốn nhận được hỗ trợ, đề nghị Bộ trình Chính phủ phê duyệt bổ sung Hải Phòng vào danh mục Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia.
-
9h45
'Sức mạnh của một đất nước gắn liền với khoa học công nghệ'
Tiếp nối phần phát biểu, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi lời chúc mừng và chia vui cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, giới khoa học công nghệ cả nước với những thành tựu đạt được trong suốt 65 năm qua. "Mỗi thắng lợi của đất nước không thể tách rời sự đóng góp hiệu quả, to lớn của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học", ông nói.
Gắn bó với ngành hơn 40 năm, chứng kiến sự trưởng thành của nền khoa học và công nghệ nước nhà, ông Xuân Dũng ghi nhận ngành đã có đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.
Việt Nam từ một nước chậm phát triển đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.
Cũng theo ông Xuân Dũng, với chủ trương coi khoa học và công nghệ là sức mạnh, là lực lượng sản xuất trong phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật dựa trên những giải pháp cơ bản là: phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức. "Đây chính là nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ nói riêng và đất nước nói chung", ông Xuân Dũng cho hay.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ông Dũng cho biết lực lượng trí thức cũng ngày càng lớn mạnh. Hiện Liên hiệp Hội Việt Nam thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước.
Theo ông, phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực khoa học và công nghệ cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. "Nguồn nhân lực thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng", ông nói.
Ông cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ngành cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Trong đó, cơ chế chính sách cần được tiếp tục đổi mới để phù hợp tình hình mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước.
Ông kiến nghị với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: "Tiếp tục tin tưởng trí thức hơn nữa, hãy trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa".
-
9h35
'Cần đưa khoa học công nghệ và nông nghiệp gần hơn với cuộc sống'
Là khách mời phát biểu đầu tiên tại lễ kỷ niệm, ông Lê Minh Hoan. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khoa học gặp gỡ cuộc sống là thông điệp mà ông ghi nhận được khi tới thăm một viện nghiên cứu nông nghiệp ở nước ngoài. Tại sự kiện, ông gửi lời cảm ơn tới những người nông dân, các nhà khoa học đã luôn sáng tạo, bền bỉ đến với làng quê, nông thôn, từng bờ ao, mảnh ruộng để phát triển, đổi mới nông nghiệp.
Ông cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kết hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách... Thời gian tới, cả hai Bộ sẽ phát triển cơ chế ghi danh và liên kết công nghệ với nông nghiệp; tổ chức diễn đàn trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ... giúp kết nối cung và cầu, ghi nhận, lắng nghe phản ánh về các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp.
Ông khẳng định, việc gia tăng giá trị nông nghiệp sẽ được tích lũy trên hành trình tri thức, áp dụng công nghệ; áp dụng trong phòng thí nghiệm, khởi nguồn từ những câu hỏi đời sống hàng ngày. Đó là làm sao để nông sản đạt chất lượng cao hơn, tối ưu hóa sản phẩm trên một diện tích, thu nhập đời sống của người nông dân tốt hơn... Giá trị gia tăng nông nghiệp còn được thể hiện ở việc áp dụng kinh tế xanh tuần hoàn trong nông nghiệp
Nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở về các đề tài, công trình nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn để tìm ra những giải pháp mới. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn luôn biết ơn từng sản phẩm nông nghiệp được tạo ra từ mồ hôi của hàng chục triệu người nông dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong những năm qua, nhiều nhà khoa học nông nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu. Họ tích cực ra ruộng, về làng để trò chuyện, trao đổi các nghiên cứu mới với bà con nông dân, giúp khoa học và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Đó là cách tri thức hóa nông dân trong cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4. Nông dân cần chủ động học hỏi, đổi mới để kịp thời thích ứng với hậu với thiên tai. Hiện tại, nông dân đã tự phát tưới tự động cây cối, nông nghiệp qua điện thoại thông minh. Việc tham gia đổi mới tri thức giúp họ tăng thêm thu nhập. Các nhà khoa học, nghiên cứu được học bài bản sẽ giúp các nhà khoa học chân đất trau dồi, học hỏi thêm nhiều hơn nữa.