Phát biểu tại buổi họp báo hôm 21/8 sau cuộc hội đàm với Tổng thống Moldova Maia Sandu tại Chisinau, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến xung quanh cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk.
"Ukraine đã chuẩn bị chiến dịch quân sự ở khu vực Kursk một cách rất bí mật và không trao đổi với bên nào. Chắc chắn do tình thế nên họ mới làm vậy", ông Scholz nói. "Đây là chiến dịch rất hạn chế về mặt không gian và có thể là cả thời gian".
Ông cũng nhắc lại rằng Đức, quốc gia đóng góp viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Kiev, dù Berlin có kế hoạch cắt giảm một nửa ngân sách hỗ trợ cho nước này trong năm 2025.
Theo Thủ tướng Đức, kế hoạch của G7 về việc sử dụng tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp các khoản vay cho Ukraine "khó khăn về mặt kỹ thuật, nhưng hợp lý về mặt chính trị".
Hai năm rưỡi sau khi chiến sự bùng phát, các lực lượng Ukraine hôm 6/8 tiến hành cuộc tấn công vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, khiến cả Moskva và thậm chí các đồng minh thân cận của Kiev đều bất ngờ. Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 20/8 tuyên bố lực lượng nước này đã tiến sâu "28-35 km" trong lãnh thổ đối phương và kiểm soát 93 khu dân cư ở Kursk.
Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 21/8 cho rằng cuộc tấn công Kursk là "đòn giáng nghiêm trọng" đối với Moskva, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong khi Kiev báo cáo loạt thành công trên chiến trường này, Nga tiếp tục đà tiến quân ở miền đông Ukraine, tâm điểm của cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong những ngày gần đây, lực lượng của họ đã kiểm soát một số khu định cư gồm Zhelanne, Svyrydonivka và làng New York, cách thành phố trọng yếu Pokrovsk khoảng 46 km.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)