Phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc sáng 20/9 (đêm cùng ngày giờ Việt Nam) Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn tính mạng, sức khỏe người dân. Sự nổi giận của thiên nhiên với các sự cố như sụt lún, sạt lở và hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng là lời cảnh báo, kêu gọi mọi người khẩn trương hành động, có trách nhiệm hơn để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ Trái Đất.
Theo lãnh đạo chính phủ Việt Nam, giải quyết biến đổi khí hậu phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, toàn diện. Các quốc gia phải xác lập tầm nhìn, tư duy, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng "0"; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý.
Thủ tướng kêu gọi các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, kém phát triển về công nghệ, tài chính, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình công - tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Ông cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Hệ thống tài chính toàn cầu cũng cần tiếp tục đổi mới toàn diện để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu. "Mặc dù là quốc gia đang phát triển, còn gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần hành động vì Trái Đất xanh, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Ông cho biết Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong ba nước đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.
Việt Nam đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28; mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế cũng bày tỏ lo ngại trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu, cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hành động, đoàn kết để giải quyết. Lãnh đạo các nước kêu gọi giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi xanh công bằng, cân bằng tài chính cho thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước đặt ra tham vọng về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Trong đó, các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng "0" muộn nhất vào năm 2040 và các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. Ông nhấn mạnh các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển phù hợp với trách nhiệm chung.
Chiều cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, nhấn mạnh Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch.
Theo ông, hợp tác và đoàn kết quốc tế cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển.
"Cần ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, kém phát triển", Thủ tướng nói.
Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh.
Hội nghị đã thông qua nội dung Tuyên bố chính trị về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, trong đó quyết định sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch vào năm 2026 để đánh giá toàn diện việc triển khai tuyên bố này.
Việc triệu tập Hội nghị cấp cao lần này là sáng kiến được Việt Nam phối hợp cùng một số nước chủ chốt đưa ra và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí hồi tháng 9/2022. Hội nghị nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.
Việt Nam cũng là quốc gia khởi xướng đề xuất và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2020 nhất trí lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dự các phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sau khi kết thúc hoạt động tại San Francisco và Washington. Chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng kéo dài 6 ngày (17-23/9), diễn ra ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.