"Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết trong hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trụ sở Trung ương Đảng chiều 10/9, theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cũng như thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không".
Với các tình hình phức tạp và xung đột quốc tế, Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
"Tôi mong rằng qua chuyến thăm quan trọng và đầy nghĩa này, ngài Tổng thống, các quý vị trong đoàn và tất cả các bạn có thêm dịp để cảm nhận trực tiếp về đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, có nền văn hiến, lịch sử lâu đời và người dân Việt Nam giàu tình cảm, hiếu khách, hữu nghị và yêu chuộng hòa bình", Tổng Bí thư nói trong cuộc họp báo chung sau hội đàm.
Việt Nam đánh giá cao việc Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại Việt Nam đã hợp tác với Mỹ chống phát xít trong Thế chiến II. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích một phần Tuyên ngôn độc lập của Mỹ trong phần mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, gửi thư đến chính phủ Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ.
Tuy nhiên quan hệ hai nước đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt nhất trong thế kỷ 20 sau Thế chiến thứ II. Việt Nam nhận thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả.
Tổng Bí thư cho hay đây là những cơ sở quan trọng để hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện, Tổng Bí thư nhắc lại kỷ niệm tốt đẹp về cuộc trao đổi chân tình với ông Biden khi Tổng Bí thư thăm Mỹ hồi tháng 7/2015, đánh giá cao những ý kiến trao đổi giữa hai lãnh đạo thời gian qua.
Hai lãnh đạo nhất trí rằng những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ là tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
"Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, luôn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế", Tổng Bí thư nói, thêm rằng Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Tổng Bí thư đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, trong đó có tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân.
"Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa hai nước và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững", Tổng Bí thư nói.
Tổng thống Joe Biden bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước mà còn với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, nêu quan điểm của Mỹ về ủng hộ một khu vực mở, ổn định, an toàn, liên kết và thịnh vượng.
"Chúng ta đã đi từ xung đột cho tới bình thường hóa quan hệ và giờ đây chúng ta nâng cấp mối quan hệ nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới", Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Mỹ coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực, đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp vào đoàn kết và thịnh vượng của ASEAN.
"Chúng tôi rất vui vì hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây là bước đi vô cùng thiết yếu với hai nước, thể hiện sức mạnh của quan hệ song phương vào lúc chúng ta phải đương đầu với thách thức có tác động lớn tới quan hệ trong khu vực và trên thế giới", ông Biden cho hay.
Lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Biển Đông có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế và khẳng định lại quan điểm của Mỹ về Biển Đông. Tổng thống cũng bày tỏ Mỹ coi trọng những mục tiêu của Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Joe Biden đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học - công nghệ trong giai đoạn mới như phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch.
"Năm ngoái, một công ty Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy tại bang Bắc Carolina của Mỹ, tạo ra 7.000 công ăn việc làm. Các công ty công nghệ Việt Nam có tầm cỡ thế giới đã và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và chúng tôi sẽ có thêm nhiều hợp đồng thương mại quan trọng nữa sẽ được ký kết nhân chuyến thăm này", Tổng thống Biden cho biết.
Tổng thống Mỹ nói ông "vô cùng tự hào về cách thức mà hai quốc gia và nhân dân hai nước chúng ta đã tiến hành xây dựng lòng tin, và sự hiểu biết lẫn nhau để xử lý các hậu quả đau đớn mà cuộc chiến tranh đã để lại cho cả hai dân tộc".
Ông tin rằng hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh cho thấy những gì hai bên có thể đạt được khi vượt lên quá khứ đau thương để đón nhận tương lai của tiến bộ, dựa trên sự thống nhất và đoàn kết của hai dân tộc.
"Việt Nam là quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực. Tôi trông đợi và đón chờ một chương mới trong quan hệ của hai nước chúng ta", Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Biden đang trong chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021.
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ tháng 7/1995 và nâng cấp lên Đối tác toàn diện tháng 7/2013, với nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã diễn ra. Hai bên hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, đến khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh.
Thương mại Việt - Mỹ đạt hơn 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN.
Về khắc phục hậu quả chiến tranh, Mỹ đã hoàn thành tẩy độc dioxin sân bay Đà Nẵng, cam kết đẩy nhanh tẩy độc sân bay Biên Hòa. Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Mỹ tìm kiếm, xác định và trao trả cho phía Mỹ hài cốt của 733 quân nhân Mỹ mất tích.
Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 4 quốc gia trên thế giới, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc được thiết lập lần lượt vào năm 2008, 2012, 2016 và 2022.
Như Tâm