Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế, người dân từ TP HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan, rồi bay từ Thái Lan về Hà Nội. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, do vé nội địa tăng quá cao.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, giá vé tăng nhưng vẫn trong khung quy định, tức chưa kịch trần.
"Vậy giá tới đây còn tăng nữa không và ảnh hưởng tới du lịch thế nào. Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính cần trả lời dứt khoát vấn đề này", ông Trần Quang Phương đặt vấn đề.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nhận định du lịch thời gian qua phục hồi ấn tượng nhờ những điều chỉnh về chính sách, sản phẩm nhưng "trở ngại là giá vé cao".
Giải trình, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết so với một số đường bay của các nước, vé của Vietnam Airlines giai đoạn vừa qua trung bình là 0,08-0,12 USD một km. Mức này thấp hơn một số chặng của các nước, như tại Thái Lan, đường bay Phuket là 0,1-0,29 USD; đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu (Trung Quốc) là 0,27-0,3 USD một km.
Bình quân giá vé của Vietnam Airlines tăng 14-20% trên các đường bay. Nguyên nhân tăng giá, theo Thứ trưởng Huy, do giá nhiên liệu và chênh lệch tỷ giá. Hiện, các chi phí này chiếm 65-70% trong cơ cấu giá vé. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, gần 5%.
Hồi tháng 3, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết, chi phí ngoại tệ lớn, họ thiệt hại hàng trăm tỷ khi tỷ giá biến động. Theo đó, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng này mất 300 tỷ đồng. Nếu tỷ giá biến động 5%, chi phí một năm của hãng bay này tăng lên 1.500 tỷ.
Với thực tế giá vé của Thái Lan rẻ, Thứ trưởng giải thích, nước này vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không. Còn theo xu hướng chung, giá vé trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu thêm một số lý do khác khiến giá vé máy bay neo cao. Đó là các hãng thiếu máy bay do phải đưa vào bảo dưỡng số lượng tàu bay nhất định vì lỗi động cơ trên máy bay của Airbus. Vì thế, họ phải thuê ướt (tàu bay, đội bay), làm chi phí đội lên.
Lý do nữa, theo ông Huy, do người dân mua vé sát giờ bay. "Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, giá vé máy bay nếu mua trước sớm 1-2 tháng sẽ giảm so với mức bình quân, còn mua càng sát ngày giá càng cao", ông Huy nói.
Giá bán được các hãng thiết lập theo nhiều dải tùy tình hình cung, cầu trên thị trường, cũng như thời điểm mở bán trước mỗi chuyến bay. Tuy nhiên, tổng giá bán và phí quản trị hệ thống không được vượt 4 triệu đồng - mức trần tối đa theo quy định mà hành khách phải trả cho một vé máy bay nội địa (chưa bao gồm thuế VAT và các khoản thu hộ). Mức trần này được áp dụng trên khung các đường bay nội địa dài nhất - 1.280 km trở lên, tương đương với hành trình Hà Nội - Phú Quốc từ ngày 1/3.
Để kiểm soát giá vé, ông Huy nói thêm, cơ quan này yêu cầu các hãng hàng không rà soát lại toàn bộ chi phí kê khai giá, tăng chuyến bay về đêm và sử dụng máy bay thân rộng khi thiếu tàu thân hẹp.
Trong quý I, các hãng bay Việt Nam vận chuyển 13 triệu lượt khách, giảm 5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, lượng khách nội địa giảm 18%, xuống còn 8,5 triệu lượt.
Ngoài hàng không, người dân có thể chọn sử dụng đường sắt để di chuyển, theo ông Huy. Ngành đường sắt cũng tăng khai thác các tuyến hiện có để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chẳng hạn, Bộ đã tăng cường mở các loại tàu và khai thác các chuyến tàu mới như Hà Nội mở tuyến SE19, 20 phục vụ chặng Hà Nội - Đà Nẵng. Với TP HCM vừa qua khai thác tàu SE 21, 22 chất lượng cao chạy từ TP HCM đến Đà Nẵng.
Cũng theo ông Huy, đường sắt vẫn là phương tiện di chuyển có chi phí hợp lý nếu đi dưới 1.000 km. Còn trên 1.000 km thì hàng không là lựa chọn tốt hơn.