Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí y khoa Lancet Diabetes & Endocrinology vào tháng 10, mục tiêu là tìm mối liên hệ giữa thời điểm chẩn đoán tiểu đường và tuổi thọ của mỗi người.
Kết luận được đưa ra sau quá trình phân tích dữ liệu từ 19 quốc gia thu nhập cao, với sự tham gia của 1,5 triệu người. Nhìn chung, đối với một người, mắc bệnh tiểu đường sớm hơn 10 năm có thể giảm khoảng 4 năm tuổi thọ.
Nhóm nghiên cứu nêu rõ: được chẩn đoán ở tuổi 30, tuổi thọ giảm 14 năm; chẩn đoán ở tuổi 40, tuổi thọ giảm 10 năm; chẩn đoán ở tuổi 50, tuổi thọ giảm 6 năm. Tỷ lệ giảm tuổi thọ ở phụ nữ cao hơn một chút so với nam giới.
"Bệnh tiểu đường tuýp 2 từng được coi là căn bệnh ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Nhưng chúng ta thấy ngày càng nhiều người được chẩn đoán sớm hơn, khiến tuổi thọ của họ bị rút ngắn như chúng tôi đã chỉ ra trong nghiên cứu", giáo sư Emanuele Di Angelantonio, tác giả nghiên cứu cho biết.
Theo tiến sĩ Stephen Kaptoge, đồng tác giả nghiên cứu, do ảnh hưởng lớn của bệnh tiểu đường tuýp hai đến cuộc sống, ngành y tế cần ưu tiên ngăn ngừa hoặc trì hoãn khởi phát bệnh.
Nguyên nhân số ca mắc tiểu đường ngày càng tăng là mức độ béo phì, chế độ ăn uống thiếu khoa học, lối sống lười vận động. Bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh khác như tim mạch, đột quỵ, vấn đề về thận, bệnh ung thư.
Theo tiến sĩ Kaptoge, có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách xác định và hỗ trợ nhóm nguy cơ cao. Các chuyên gia cũng khuyến khích sử dụng phương pháp điều trị gồm thuốc kê đơn và thay đổi lối sống, thay đổi môi trường để khuyến khích hoạt động thể chất nhiều hơn.
Thục Linh (Theo Express)