Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati hôm nay cho biết nước này "quyết tâm phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia láng giềng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, trong một khuôn khổ không bị trừng phạt".
Tuyên bố được ông Nebati đưa ra sau khi Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo hôm 22/8 gửi thư tới các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo họ nguy cơ hứng chịu lệnh trừng phạt thứ cấp nếu hợp tác với những người Nga đang bị cấm vận.
Theo ông Nebati, các doanh nghiệp không nên lo lắng về bức thư này, vì Thổ Nhĩ Kỳ "là một trong những trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng nhất trên thế giới".
Mỹ từng nhiều lần cảnh báo áp lệnh trừng phạt thứ cấp với các quốc gia hỗ trợ Nga né lệnh trừng phạt. Khi gặp các lãnh đạo ngân hàng Istanbul hồi tháng 6, ông Adeyemo cảnh báo họ không nên trở thành "kênh dẫn tiền cho Moskva".
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, vẫn giữ vị trí trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và từ chối tham gia trừng phạt Moskva. Giá trị thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lập luận nước này cần "trung lập" bởi các ngành công nghiệp của Ankara phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/8 gặp ông Erdogan tại thành phố Sochi. Đây là cuộc gặp thứ hai của ông Putin và ông Erdogan trong hơn hai tuần. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho thấy hai lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong các ngành vận tải, nông nghiệp, tài chính và xây dựng.
Số liệu từ Wall Street Journal cho thấy người Nga đã mở hơn 500 công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đầu năm 2022, cao hơn hai lần so với năm ngoái. Giới chức Mỹ lo ngại các thực thể, cá nhân Nga đang tìm cách giao thương với bên ngoài, lách lệnh trừng phạt. Họ cũng lo ngại các công ty ở châu Âu có hành động tương tự.
Như Tâm (Theo AFP)