"Quyết định kích hoạt hệ thống phòng không S-400 là không thể đảo ngược, nhưng kế hoạch triển khai chúng trong tháng 4 sẽ bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19", quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên hôm qua cho biết, thêm rằng Ankara sẽ cần thêm nhiều tháng trước khi tái khởi động quá trình này.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối bình luận về thông tin này.
Căng thẳng giữa Ankara và Washington quanh thương vụ S-400 dự kiến đạt đỉnh vào tháng 4, thời điểm hệ thống này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu và được kích hoạt, đưa vào biên chế theo lệnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, Covid-19 buộc Ankara tập trung vào nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đề phòng thiệt hại cho nền kinh tế vừa thoát suy thoái hồi năm ngoái. Tổng thống Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không công khai đề cập tới hệ thống S-400 trong nhiều tuần qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington không thay đổi quan điểm về thương vụ S-400. "Chúng tôi phản đối hợp đồng mua tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và quan ngại sâu sắc trước thông tin nước này đang nỗ lực đưa vũ khí đó vào hoạt động", bà cho hay.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt tên lửa S-400 góp phần giúp căng thẳng song phương hạ nhiệt, trong bối cảnh Mỹ cũng đang phải vật lộn với Covid-19.
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã ghi nhận 90.980 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.140 người đã chết. Đây hiện là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới.
Căng thẳng Ankara - Washington tăng cao sau khi Nga bàn giao các hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hợp đồng, phá hủy hoặc trả lại những tổ hợp S-400 đã bàn giao.
Ankara không chấp nhận yêu cầu và quyết vận hành hệ thống S-400. Mỹ đáp trả bằng cách gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35. Washington cũng rút lại đề xuất bán các hệ thống Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara.
Vũ Anh (Theo Reuters)