Nhờ bác sĩ tư vấn các loại thuốc giúp em bé tăng hồng cầu. Bé nhà em lượng hồng cầu thấp hơn so với mức bình thường 71,7 Fl. (Trang Nguyễn)
Trả lời:
Chỉ số huyết sắc tố của con bạn chỉ 7,1 g/dL là rất thấp. Thứ nhất, bác sĩ cần biết con bạn bao nhiêu tuổi, kiểm tra tiền sử bệnh tật, bé có đi ngoài phân đen hay không. Bởi vì huyết sắc tố thấp có các nguyên nhân như tạo hồng cầu không đủ do tủy xương có vấn đề. Tủy xương có vấn đề do lượng sắt không tạo đủ. Để xem bé có bị thiếu máu thiếu sắt (lượng sắt dự trữ trong gan có đủ hay không), bạn xem nồng độ ferritin trong gan.
Nguyên nhân thứ 2 thường gặp nhiều ở trẻ em là tan máu bẩm sinh như alpha thalassemia, beta thalassemia. Bạn xem lại sàng lọc máu gót chân của bé có bệnh này hay chưa, nếu chưa bác sĩ sẽ kiểm tra. Vì một mình huyết sắc tố vẫn chưa đủ thông tin, bác sĩ cần toàn bộ dải máu của bé. Bạn phải cung cấp cho bác sĩ 3 chỉ số trong máu vì đây là các yếu tố liên quan đến huyết sắc tố. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bé bị hồng cầu nhỏ hay hồng cầu to, thiếu máu loại gì...
Nếu như bé không phải tan máu bẩm sinh, không phải thiếu máu thiếu sắt thì bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân thiếu máu. Trường hợp thiếu máu ở mức độ vừa (6-9 g/dL) nếu trẻ càng nhỏ càng ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của bé sau này. Bé bị thiếu máu nhận thức sẽ kém hơn hẳn trường hợp não bộ được bổ sung đủ máu. Hồng cầu có nhiệm vụ như "xe chở thức ăn" mang ôxy và đường lên trên não để não phát triển. Nếu não thiếu ôxy, thiếu đường sẽ gây ra tình trạng ngất. Dù hồng cầu của bé không thiếu đến mức ngất nhưng lại mang không đủ lên não để phát triển tốt.
Do đó, con bạn nên đi khám bác sĩ sớm chứ không chờ đợi. Trường hợp gia đình đang ở trong vùng dịch, chưa thể khám trực tiếp, bạn có tất cả hồ sơ giấy tờ của bé đã khám trước đây thì có thể chụp và gửi để đăng ký khám online 1:1 cùng bác sĩ.
Nếu sắt dự trữ trong gan đã đầy nhưng bác sĩ lại cho thêm sắt nữa (vì về mặt lý thuyết thiếu máu là thiếu sắt). Những cũng có thể bệnh nhân lại không phải thiếu máu do thiếu sắt. Khi đó, nếu cho sắt vào sẽ dư ở trong gan, dẫn đến xơ gan. Có những trường hợp bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh như alpha thalassemia, beta thalassemia truyền máu nhiều lần và bị dư sắt, sau đó phải tiến hành thải sắt. Thải sắt sẽ kho khăn hơn bổ sung sắt. Do đó, con của bạn cần thăm khám thật kỹ cũng bác sĩ.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội