Dưới sức ép từ vụ nổ, Karyna bị hất văng xuống hành lang trong ngôi nhà ở thị trấn Kostyantynivka, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, nơi đang là tiền tuyến giao tranh khốc liệt. Sau khi tỉnh lại, cô vội vàng gọi tên cậu con trai 12 tuổi.
"Tôi không nghe thấy tiếng cháu trả lời", AFP ngày 9/5 dẫn lời kể của người phụ nữ 41 tuổi về vụ nổ hồi tháng 4. "Tôi cảm giác nếu cháu có mệnh hệ gì, tôi cũng không thiết sống nữa. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: 'Mình sẽ sống sao nếu con không còn?'"
Cả gia đình Karyna sống sót sau vụ nổ, dù căn nhà gần như bị phá hủy. Tuy nhiên, cô cho hay chưa sẵn sàng sơ tán khỏi thị trấn quê nhà Kostyantynivka, bất chấp bom đạn ngày càng dữ dội.
Quyết định đi hay ở đã đẩy nhiều gia đình có con nhỏ sống gần chiến tuyến rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cuộc chiến diễn biến khó lường khiến quyết định ấy ngày càng khó khăn hơn. Nhiều trẻ em sống ở các khu vực gần tiền tuyến đã thiệt mạng do bom rơi đạn lạc.
Ukraine ước tính khoảng 480 trẻ em đã chết và hơn 1.400 em bị thương từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi tháng 2/2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7/2022 kêu gọi người dân tỉnh Donetsk sơ tán khỏi khu vực giao tranh. Chính quyền địa phương cũng ra lệnh đưa trẻ em rời khỏi hàng loạt khu dân cư ở tiền tuyến.
Một số gia đình phớt lờ lệnh sơ tán, vẫn tìm cách bám trụ ở quê nhà, do hoàn cảnh quá nghèo hoặc đã gắn bó với quê hương và không muốn rời đi. Giới chức cho hay một số bố mẹ che giấu con cái khi lực lượng hành pháp ở thị trấn Avdiivka tới từng nhà thực thi lệnh sơ tán bắt buộc với trẻ em.
Trái với những người chưa muốn rời đi, Veronika Sorokina, 23 tuổi, lập tức ôm con trai hai tuổi đi sơ tán khi cảm nhận con gặp nguy hiểm, lúc lực lượng Nga áp sát ngôi làng ở vùng Lugansk hồi tháng 3/2022.
Chồng cô, Vitaly, 48 tuổi, lên phương án đi bộ 60 km qua vùng nông thôn tới khu vực lực lượng Ukraine kiểm soát, theo tuyến đường mà anh biết người Nga sẽ không phát hiện ra.
"Chúng tôi ra quyết định rất nhanh, rời đi sau ba phút. Chúng tôi chỉ sợ con trai gặp chuyện", cô nói, nhớ lại cảnh họ thu dọn giấy tờ và váy cưới.
"Khi chúng tôi rời làng, tôi bịt miệng con lại để cháu không hét", Veronika vừa khóc vừa mô tả cảnh chạy trốn.
Tại Bakhmut, tâm điểm giao tranh suốt nhiều tháng qua, Natalya Maksymenko, 21 tuổi, muốn đợi thêm trước khi bị buộc sơ tán hồi tháng 9/2022. Một ngày trước khi cô ôm con 6 tháng tuổi cùng người chồng 19 tuổi bỏ chạy, tòa nhà bên kia đường trúng pháo kích.
"Tôi nghĩ về chuyện đang xảy ra. Chúng tôi có con nhỏ và không rõ điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Nếu con bé gặp chuyện, tôi sẽ phát điên. Cuối cùng, chúng tôi quyết định rời đi", cô nói, nựng em bé đang ngồi trên đùi.
Một ngày sau khi họ mang theo giấy tờ và mèo cưng rời khỏi căn hộ hai phòng ngủ, tòa nhà trúng pháo kích. Bây giờ, gia đình ba người sống trong một căn phòng ở thủ đô Kiev, dùng chung nhà bếp, phòng tắm với hàng xóm.
Theo Aryna Satovska, người điều hành trung tâm phi chính phủ hỗ trợ chỗ ở cho các gia đình có con nhỏ tại Kiev, quyết định rời đi đôi khi rất khó khăn, bởi các tuyến đường sơ tán có thể còn nguy hiểm hơn khu vực đang bị tấn công.
"Có khi họ phải lựa chọn giữa sự an toàn tương đối và nguy hiểm nếu ra ngoài. Chúng tôi từng nghe chuyện 10 gia đình đi sơ tán, nhưng chỉ có 5 nhà tới được đích", cô nói.
Sơ tán chỉ là bước đầu tiên trong hành trình vượt qua chấn thương tâm lý. "Chúng tôi từng gặp những em bé không dám ra sân chơi suốt hai tuần vì sợ tiếng còi báo động không kích, tiếng pháo kích và tiếng bom", Satovska nói.
Veronika, người cùng chồng chạy khỏi Lugansk, cho hay con trai cô vẫn sốc. Những tiếng động lớn như còi báo động không kích luôn khiến cậu bé sợ hãi.
"Cháu thường chạy lại ôm tôi, la hét và run rẩy. Cháu vẫn căng thẳng. Nếu có tiếng động lớn vang lên ở đâu đó, cháu sẽ khóc vì sợ", cô nói.
Đứng cạnh ngôi nhà đổ nát ở vùng ngoại ô Kostyantynivka, Karyna cho hay đã khuyên một người bạn rời đi, nhưng cô vẫn quyết tâm ở lại. "Tôi không thể sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ", Karyna nói, dù căn bếp của cô giờ đã biến thành một hố đạn sâu.
Hồng Hạnh (Theo AFP)