Thông tin được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xác nhận sáng nay 5/5. Bên cạnh năm chân chạy Việt Nam, còn hai VĐV Thái Lan, hai Myanmar và một Indonesia bị công khai danh tính đợt này.
Tất cả đã có hai mẫu thử dương tính với chất cấm tại đại hội ở Việt Nam năm 2022. Theo quy định, trước SEA Games 32, tất cả trường hợp dính doping ở SEA Games 31 phải được công bố trong cuộc họp cuối cùng của Đại hội đồng thể thao Đông Nam Á diễn ra hôm qua tại Phnom Penh.
Quách Thị Lan từng giành hai HC vàng, một bạc và một đồng tại SEA Games 31, trong đó có HC vàng cá nhân 400m rào và HC đồng 400m. Chân chạy 28 tuổi còn đoạt HC vàng 4 x 400m tiếp sức nữ, và HC bạc 4 x 400m tiếp sức nam nữ. Cô cũng từng đoạt HC vàng Asiad 2018 dù chỉ về nhì, sau khi người về nhất Kemi Adekoya dương tính với doping. Một năm sau đó, cô vô địch châu Á cũng ở nội dung sở trường 400m rào.
Khuất Phương Anh 26 tuổi, đoạt HC vàng chạy 800m nữ và HC bạc 1.500m tại SEA Games 31. Vũ Thị Ngọc Hà 23 tuổi, đoạt HC vàng nhảy xa và HC bạc nhảy ba bước. Hoàng Thị Ngọc giành HC vàng 4 x 400m tiếp sức nữ, còn Ngọc Phúc đạt HC bạc chạy 400m nam và 4 x 400m tiếp sức nam.
Mẫu thử doping của các VĐV tại SEA Games 31 được xét nghiệm vài tháng sau Đại hội. Tháng 9 và 10/2022, năm VĐV điền kinh Việt Nam bị phát hiện có mẫu A dương tính với chất cấm. Đến tháng 11, mẫu B của họ cũng dương tính. Khi đó, danh tính của năm VĐV này chưa được công bố.
Trong bản tường trình gửi Tổng cục TDTT trước đó, tất cả khẳng định không cố ý dùng chất cấm, mà có thể vô tình dùng thuốc hoặc đồ ăn không phù hợp.
Thông thường, các VĐV dương tính với doping sẽ bị huỷ kết quả thi đấu. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng tới vị trí nhất toàn đoàn của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ở giải đấu trên sân nhà, Việt Nam đạt tổng 205 HC vàng, trong khi Thái Lan đứng thứ hai đạt 92 HC vàng.
Theo Giám đốc trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam, đồng thời là Phó trưởng tiểu ban y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 Nguyễn Văn Phú, hồ sơ của các VĐV dính doping đã được chuyển cho các liên đoàn thể thao quốc tế, Ủy ban Olympic quốc gia, để xử lý theo bộ luật phòng chống doping quốc tế. SEA Games 31 sử dụng bộ luật sửa đổi năm 2021.
Thông thường, án phạt cấm thi đấu với các trường hợp dính doping sẽ được liên đoàn quốc tế của môn thể thao mà VĐV dính doping ra quyết định.
Nhưng theo ông Trần Đức Phấn - phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 31, Liên đoàn điền kinh châu Á và Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ làm việc với nhau để thống nhất án phạt năm VĐV Việt Nam dính doping.
"Việc tước huy chương của các VĐV này và đôn VĐV khác lên nhận thay thì phải theo quy trình, rất lâu. Chính Quách Thị Lan cũng từng được đôn lên giành HC vàng ASIAD 2018 vì đối thủ dính doping, nhưng đến giờ còn chưa được nhận", ông Phấn nói thêm.
Hoàng An