Vòng chung kết U23 châu Á 2020 tại Thái Lan là giải đấu quốc tế gần nhất Triều Tiên tham dự. Họ dừng bước ở vòng bảng sau trận cuối cùng thắng Việt Nam thời HLV Park Hang-seo ngày 16/1/2020.
Trong thời gian đóng cửa, Triều Tiên bỏ lỡ nhiều sự kiện lớn như Olympic mùa hè 2020 (Nhật Bản), Olympic mùa đông 2022 (Trung Quốc), World Cup nam 2022 (Qatar), World Cup nữ 2023 (Australia và New Zealand). Vì không dự Olympic 2020, các VĐV nước này bị Uỷ ban Olympic quốc tế IOC đình chỉ thi đấu đến hết năm 2022.
Triều Tiên ban đầu đăng ký tham gia giải Grand Prix của Liên đoàn cử tạ quốc tế IWF vào tháng 6/2023, nhưng cuối cùng không cử VĐV. Sự trở lại của Triều Tiên ở Asiad 19 vì vậy thu hút được sự quan tâm lớn của quốc tế. Kể từ 1974, Triều Tiên tham dự mọi kỳ Á vận hội, trừ năm 1986 và 1994.
Thể thao Triều Tiên có nhiều môn thế mạnh như cử tạ, đấu vật, bóng đá, thể dục dụng cụ, bắn súng, boxing. Ở kỳ Asiad gần nhất tại Indonesia, Triều Tiên xếp thứ 10 trên bảng tổng sắp với 12 HC vàng, 12 HC bạc và 13 HC đồng, trong đó cử tạ đem chiếm gần một phần tư với tám HC vàng, một HC bạc, một HC đồng.
Đến Trung Quốc lần này, Triều Tiên dự kiến có khoảng 80 VĐV, tham dự các môn bóng đá, bóng chuyền, đấu vật và judo. Ở Asiad 18, judo của họ giành một HC bạc, một HC đồng, còn đấu vật có hai HC vàng, một HC bạc, hai HC đồng. Trong khi đó, bóng đá là môn thế mạnh khi đội nam và nữ Triều Tiên đều vào đến tứ kết. Ở Asiad 2014, Triều Tiên giành HC vàng bóng đá nữ và HC bạc bóng đá nam.
Tuy nhiên, bốn năm không tham dự các giải quốc tế khiến năng lực các VĐV Triều Tiên rất khó xác định. Đội đấu vật và judo hầu hết ở độ tuổi 20 nên có rất ít kinh nghiệm.
Asiad 19 tổ chức chủ yếu tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 23/9 đến 8/10. Sự kiện bị hoãn một năm do dịch bệnh sẽ thu hút khoảng 12.500 VĐV đến từ 45 quốc gia châu Á, tranh tài ở 40 bộ môn.
Trung Thu