Sau gần một năm Ukraine đề nghị các đồng minh NATO chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất, liên minh này cuối cùng cũng chấp thuận. Quyết định cung cấp xe tăng Challenger 2, M1 Abrams và Leopard 2 diễn ra trong bối cảnh Nga đang củng cố phòng tuyến ở các vùng lãnh thổ kiểm soát ở vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia và Kherson.
Theo Brandon Weichert, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Pennsylvania, Mỹ, các nước phương Tây quyết định chuyển xe tăng cho Ukraine nhằm ngăn chặn kịch bản Nga chuẩn bị tiến hành một chiến dịch tấn công lớn vào mùa xuân. Nga đã hoàn tất huy động, huấn luyện hơn 300.000 lính dự bị và sẵn sàng tung vào những trận đánh mới khốc liệt hơn.
Anh đồng ý gửi một đại đội Challenger 2 gồm 14 chiếc. Đức cũng sẽ chuyển một đại đội Leopard 2 với 14 xe tăng, trong khi Mỹ cam kết cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams.
Đây đều là những mẫu xe tăng uy lực của phương Tây, nhưng Weichert đánh giá quyết định chuyển số lượng hạn chế xe tăng cho Ukraine có thể là động thái vô ích, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang chật vật chống đỡ những đợt tiến công với quy mô nhỏ hiện nay của Nga.
Khi Nga tung thêm hàng trăm nghìn quân ra tiền tuyến, vài chục xe tăng chủ lực phương Tây sẽ khó phát huy hiệu quả tác chiến trước lực lượng thiết giáp và bộ binh đông đảo của Nga, Weicher nhận định.
Hình ảnh được công bố trên kênh truyền hình NTV của Nga hồi tháng 12/2022 cho thấy quân đội nước này đã chuyển khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 tới khu vực Lugansk.
Ukraine sau đó đã đề nghị phương Tây cung cấp ít nhất 300 xe tăng để đối phó, nhưng kịch bản này được cho là khá xa vời, khi Washington và các đồng minh châu Âu không có đủ xe tăng trong biên chế để chuyển giao cho Kiev.
Lầu Năm Góc đã thừa nhận họ thiếu số lượng biến thể M1 Abrams cần thiết để gửi tới Ukraine, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ không thể sớm tăng cường năng lực sản xuất như trước đây, Weichert đánh giá.
M1 Abrams là xe tăng hàng đầu và mang tính biểu tượng của Mỹ, do đó nước này khó có thể chấp nhận nguy cơ để mất lượng lớn khí tài này vào tay Nga trong giao tranh.
"Mỹ không thể mạo hiểm chuyển giao xe tăng M1 Abrams trang bị các công nghệ tuyệt mật trong biên chế của họ cho Ukraine. Họ sẽ phải cải hoán và đặt hàng chế tạo mới xe tăng Abrams trước khi chuyển cho Ukraine, nên chúng khó có thể được bàn giao trong 12-18 tháng tới, thậm chí lâu hơn", chuyên gia này nói.
Ngay cả khi các nước phương Tây hoàn thành cam kết chuyển giao xe tăng, chúng cũng chỉ đủ giúp Ukraine thành lập vài đại đội tăng thiết giáp, khó có thể đối đầu với lượng xe tăng đông đảo cùng hỏa lực pháo binh, không quân của Nga ở Donbass.
NATO đã nhiều lần từ chối chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine, khiến xe tăng phương Tây khi tác chiến ở nước này sẽ không nhận được yểm trợ đắc lực từ không quân. Khi đó, xe tăng NATO có thể dễ dàng trở thành mục tiêu cho máy bay Nga.
"Không được không quân che chở, xe tăng phương Tây với số lượng ít của Ukraine khó chống lại toàn bộ tăng thiết giáp và lực lượng lên tới 350.000 quân nhân của Nga", ông Weichert đánh giá.
Ngoài hạn chế về số lượng và hiệp đồng tác chiến, xe tăng phương Tây khi được chuyển cho Ukraine cũng đối mặt với thách thức rất lớn về hậu cần, huấn luyện và bảo dưỡng.
Về cơ bản, Mỹ đang yêu cầu binh sĩ Ukraine điều khiển loại xe tăng mà họ hầu như không được huấn luyện bài bản về vận hành và không có kinh nghiệm bảo dưỡng trong thời điểm khốc liệt của cuộc chiến.
Không giống như tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin và FIM-92 Stinger, xe tăng là hệ thống vũ khí phức tạp, đòi hỏi nhiều tháng huấn luyện để vận hành, cũng như kỹ năng bảo dưỡng cao hơn so với các khí tài khác.
Trong thời gian đó, Nga có thể điều toàn bộ xe tăng T-90 chọc thủng phòng tuyến Ukraine, trước khi xe tăng chủ lực phương Tây tới được nước này, Weichert nhận định.
Theo ông, sức kháng cự của Ukraine tốt hơn nhiều so với Nga từng dự tính, nhưng họ không phải là những "siêu nhân" khi chịu sức ép rất lớn của đối phương trong thời gian dài.
Nga ban đầu mở chiến dịch quân sự với khoảng 160.000 quân, thiếu phương tiện và năng lực chỉ huy để thực hiện chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh". Nhưng sau gần một năm chiến sự, Nga đang dần thay đổi chiến lược.
Moskva dường như đang tập trung đông đảo lực lượng để tiến hành đợt tiến công mới, dự kiến diễn ra ác liệt hơn nhiều. Đối mặt với làn sóng tiến công đó, vài đại đội xe tăng phương Tây khó có thể giúp Ukraine đảo ngược tình thế trên chiến trường.
"Hậu cần, địa lý và yếu tố số lượng vẫn cần được tính đến trong các kế hoạch tác chiến. Điều đáng buồn là những yếu tố này đang chống lại Ukraine", ông Weichert đánh giá. "Việc chỉ cung cấp vài chục xe tăng có thể khiến nhiều người Ukraine thiệt mạng hơn và nguy cơ xảy ra xung đột diện rộng giữa Nga với phương Tây".
Nguyễn Tiến (Theo AsiaTimes)