Theo kế hoạch, lệnh ngừng bắn 4 ngày giữa Israel và Hamas sẽ kết thúc vào ngày 27/11. Hamas đồng ý thả khoảng 50 con tin, phần lớn là trẻ em và phụ nữ. Đổi lại, Israel thả khoảng 150 tù nhân Palestine khỏi các trại giam của nước này.
Khi thông báo về thỏa thuận ngừng bắn, chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ nối lại chiến dịch tấn công sau 4 ngày này, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là "xóa sổ" Hamas. Tel Aviv cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận một thỏa thuận đình chiến lâu dài với Hamas.
Nhưng ba ngày qua, cả Israel và Gaza đã trải qua những giờ phút yên bình hiếm hoi, cùng niềm vui vỡ òa khi các gia đình đón con tin trở về, hay chứng kiến người thân được thả từ nhà tù.
Niềm vui đó thắp lên hy vọng trong gia đình những con tin khác về một ngày trở về như vậy, đồng thời tạo ra áp lực khủng khiếp với Thủ tướng Netanyahu trong việc kéo dài thời gian ngừng bắn quý giá để tăng cơ hội giải cứu con tin.
Những lời kêu gọi Tel Aviv kéo dài thời gian ngừng bắn ngày càng mạnh mẽ, không chỉ từ dư luận trong nước, mà còn từ cộng đồng quốc tế, khi nhiều nước công khai phản đối việc Tel Aviv nối lại chiến dịch tấn công Gaza, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo chỉ vừa được xoa dịu.
"Thời gian đang chống lại Israel cũng như quân đội nước này", Andreas Krieg, chuyên gia từ Đại học Hoàng gia London, nhận xét. "Một mặt, họ muốn tất cả con tin biết rằng chính phủ Israel không thể giải thoát họ bằng quân sự, mặt khác, quân đội Israel lại không muốn mất hoàn toàn động lực cho cuộc chiến này".
Quân đội Israel (IDF) đã hứng chịu một số tổn thất về người và khí tài để đạt được lợi thế trước Hamas trong vài tuần qua. Họ đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, phát triển cách thức tác chiến mới đối phó với hệ thống hầm ngầm chằng chịt của Hamas ở Gaza City, nhưng giờ đây cả cỗ máy chiến tranh đó phải ngừng lại hoàn toàn.
Quân đội và chính phủ Israel không muốn kịch bản này xảy ra. Đến thăm các binh sĩ tại Dải Gaza ngày 26/11, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch "cho đến khi giành chiến thắng". "Không có gì có thể ngăn cản chúng ta và chúng tôi tin rằng ta có sức mạnh, ý chí và quyết tâm đạt được tất cả các mục tiêu của cuộc chiến", ông nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cũng khẳng định thời gian cho lệnh ngừng bắn sẽ không kéo dài. "Sẽ không mất vài tuần, chỉ mất vài ngày", ông nói giữa các binh sĩ Israel tại Dải Gaza. "Bất kỳ cuộc đàm phán nào tiếp theo sẽ diễn ra dưới hỏa lực".
Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. IDF đang đứng trước tình thế rất khó xử, bởi nếu nối lại chiến dịch sau 4 ngày ngừng bắn, họ sẽ đối mặt với nỗi bất bình khủng khiếp từ dư luận quốc tế cũng như gia đình của những con tin chưa được giải thoát.
Hôm 25/11, hàng chục nghìn người biểu tình đổ xuống đường phố Tel Aviv để kêu gọi giải cứu những con tin còn lại, hô vang câu khẩu hiệu "Bây giờ, bây giờ, bây giờ, tất cả bọn họ ngay bây giờ!" và giơ cao biểu ngữ "Đưa họ khỏi địa ngục".
"Áp lực gia hạn lệnh ngừng bắn thực sự đến từ bên trong Israel, từ gia đình các con tin", Arik Rudnitzky, học giả tại Trung tâm Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv, nhận xét.
Nhưng nếu Israel chấp nhận kéo dài tình trạng ngừng bắn, động lực chiến đấu của các binh sĩ có nguy cơ nguội lạnh, trong khi Hamas có thêm thời gian để tập hợp quân số, tái tổ chức lực lượng, bổ sung vũ khí và cuối cùng trở nên mạnh mẽ hơn sau những tổn thất ban đầu.
Một quan chức quân sự Israel cho biết nước này cam kết giải cứu càng nhiều con tin càng tốt, nhưng bày tỏ lo ngại rằng lệnh ngừng bắn càng kéo dài thì Hamas càng có nhiều thời gian để "xây dựng lại năng lực và tấn công Israel một lần nữa".
"Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan", ông nói.
Lệnh ngừng bắn càng kéo dài thì cộng đồng quốc tế cũng sẽ càng mất kiên nhẫn với việc tiếp tục cuộc xung đột ở Dải Gaza, chuyên gia Krieg lưu ý thêm.
Qatar, bên trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas, cho rằng cần phải "duy trì động lực" về một lệnh đình chiến lâu dài. "Điều đó chỉ thực hiện được khi có ý chí chính trị không chỉ từ người Israel và người Palestine, mà còn từ các đối tác khác đang làm việc với chúng tôi", Majed Al-Ansari, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, cho hay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/11 cho biết hoàn toàn có khả năng gia hạn lệnh ngừng bắn. Ông đồng thời kêu gọi hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, trong đó nhà nước Palestine được thiết lập và tồn tại hòa bình với Israel.
Chuyên gia Krieg từ Đại học Hoàng gia London nhận định với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm tới, Mỹ chắc chắn không sẵn sàng cùng Israel theo đuổi một chiến dịch tấn công quy mô lớn kéo dài nhiều tháng liên tục.
"Vì vậy, chính quyền Biden cũng cần tìm một lối thoát", ông nói. "Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột, bạn không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này".
Lãnh đạo cấp cao Hamas Taher al-Nunu cho biết nhóm "sẵn sàng nghiêm túc tìm kiếm các thỏa thuận mới".
Nhưng Hamas hôm 25/11 đã trì hoãn việc bàn giao nhóm con tin thứ hai trong nhiều giờ, cáo buộc Israel vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Dù cuộc trao đổi con tin cuối cùng cũng diễn ra, sự cố này cho thấy thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên mong manh như thế nào.
Hamas sẽ "tìm cách kéo dài thời gian với các thỏa thuận con tin để cố gắng khiến Israel trả cái giá đắt nhất có thể", cựu quan chức tình báo Israel Avi Melamed nhận định. Họ hy vọng rằng động lực ủng hộ của dư luận Israel với chiến dịch tấn công vào Dải Gaza sẽ tiêu tan, và cuối cùng "áp lực từ nội bộ cũng như quốc tế đè nặng lên chính quyền Israel sẽ tạo ra cánh cửa để Hamas có thể tiếp tục tồn tại, kiểm soát Gaza ngay cả sau khi xung đột kết thúc".
Nhà phân tích độc lập về Trung Đông Eva Koulouriotis đồng tình với quan điểm này. "Đối với Hamas, bất kỳ kịch bản nào không khiến họ bị 'xóa sổ' ở Dải Gaza sẽ được coi là chiến thắng, dù thiệt hại về vật chất và con người lớn đến đâu", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)