"Brazil và thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp chưa từng có trong lịch sử hiện đại và ở nước ta, tình trạng khẩn cấp đang trở nên trầm trọng hơn bởi một tổng thống vô trách nhiệm. Jair Bolsonaro là trở ngại lớn nhất đối với các quyết định khẩn cấp nhằm hạn chế virus lây lan và cứu mạng người", tuyên bố mang tên "Brazil không thể bị Bolsonaro hủy hoại" của các chính trị gia hàng đầu phe cánh tả hôm 30/3 cho hay.
Bolsonaro, Tổng thống theo xu hướng cực hữu của Brazil, đang bị chỉ trích vì đánh giá thấp Covid-19 và xem nhẹ các biện pháp hạn chế virus lây lan. Bolsonaro cho rằng các biện pháp phong tỏa đang hủy hoại kinh tế, khiến người dân mất việc làm và người nghèo thêm khổ sở. Tổng thống Brazil cũng tuyên bố không cần áp đặt thêm biện pháp cách ly dù Bộ trưởng Y tế kêu gọi người dân duy trì cách biệt cộng đồng.
"Bolsonaro không có khả năng tiếp tục lãnh đạo. Ông ấy phạm tội, dối trá và thúc đẩy hỗn loạn, lợi dụng sự tuyệt vọng của những công dân dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta cần đoàn kết và hiểu biết để đối mặt đại dịch, chứ không phải một tổng thống đối đầu các cơ quan y tế công cộng và đặt lợi ích chính trị độc đoán của mình lên trên tính mạng người khác", tuyên bố nêu.
"Bolsonaro không chỉ là vấn đề chính trị nữa, ông ấy đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ông ấy nên từ chức. Ông ấy cần bị ngăn chặn khẩn trương và phải trả lời về những sai phạm của ông ấy đối với người dân", nhóm cánh tả kết luận.
Các chính trị gia hàng đầu phe cánh tả Brazil, bao gồm Ciro Gomes, Flávio Dino, Manuela d'Ávila, Fernando Haddad và Guilherme Boulos, đã ký vào tuyên bố, cho rằng Bolsonaro hành động "bất chấp đạo lý", có thể khiến nhiều người chết và Tổng thống phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Ciro Gomes, Tổng thống sẽ phải trả lời về tội ác chống lại loài người tại Tòa Công lý Quốc tế ở Hague. Khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì cho Bolsonaro, Gomes nói: "Hãy từ chức".
Brazil hiện ghi nhận hơn 4.600 ca nhiễm nCoV, trong đó 165 người đã tử vong. Bolsonaro đã vấp phải chỉ trích khi cho rằng Covid-19 chỉ như "cảm cúm" và các biện pháp ứng phó đại dịch đã bị truyền thông "thổi phồng", có thể phá hủy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin. Ông cũng cáo buộc các đối thủ chính trị đang nghiêm trọng hóa số ca tử vong nhằm hạ bệ ông.
Huyền Lê (Theo Guardian)