Trong khi Trump đã dịu giọng sau một tuần gọi nCoV là "virus Trung Quốc", Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 25/3 vẫn gay gắt với Bắc Kinh, cáo buộc họ thực hiện "chiến lược thêu dệt thông tin có chủ ý", sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu giả thuyết lính Mỹ đưa nCoV đến Vũ Hán.
Căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung gây lo ngại vào thời điểm hai nước lẽ ra cần hợp tác để đương đầu với khủng hoảng. "Mỹ - Trung đang trong cuộc đấu bôi xấu lẫn nhau", Daniel Russel, cựu cố vấn về châu Á cho Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. "Điều này chắc chắn cản trở hợp tác giữa hai bên, vốn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay".
Một số người lo ngại thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bị lung lay. Trong khi Washington và Bắc Kinh chủ yếu chỉ đấu khẩu, chính quyền Trump đã gợi ý khả năng biến lời nói thành hành động, có thể "đổ thêm dầu vào lửa".
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, quan chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đang soạn thảo sắc lệnh "mua hàng Mỹ" nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dược phẩm và vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc cảnh báo động thái như vậy không khôn ngoan và không thực tế.
Xinhua đăng một bài viết rằng thế giới nên cảm ơn Trung Quốc thay vì đổ lỗi cho họ, đồng thời cảnh báo nếu Bắc Kinh cấm xuất khẩu thuốc thì "Mỹ sẽ chìm vào địa ngục Covid-19".
Một nguồn tin chính quyền giấu tên cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang dẫn đầu một nhóm quan chức phản đối sáng kiến của Navarro, với lập luận rằng bây giờ không phải là lúc đối đầu với Trung Quốc, khi họ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để chống lại đại dịch và giữ cho nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển.
Trump đã không nhất quán trong cách mô tả vai trò của Trung Quốc. Sau khi ban đầu khen ngợi Trung Quốc "làm việc rất chuyên nghiệp", Trump bắt đầu chuyển sang chỉ trích họ vào tuần trước, nói rằng thế giới đang phải trả một cái giá rất lớn cho những gì họ đã làm và cáo buộc Bắc Kinh che đậy dịch trong giai đoạn đầu. Nhưng Trump lại dịu giọng vào tuần này khi ông dành nhiều lời khen cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mô tả ông là một người bạn.
Trong khi đó, Pompeo trở thành gương mặt đại diện của phe "diều hâu" với Trung Quốc. Ngày 25/3, ông gọi nCoV là "virus Vũ Hán" và nói rằng Bắc Kinh cần phải minh bạch hơn.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viện Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đã chia sẻ thông tin và kêu gọi Washington "chấm dứt chính trị hóa dịch bệnh".
Mặc dù Pompeo có ngôn từ gay gắt, một quan chức Mỹ nói rằng miễn là Trump hoặc phụ tá không chỉ trích trực tiếp Tập Cận Bình thì quan hệ vẫn có thể cứu vãn.
Trump tuần này nhiều lần khoe về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, chỉ ra Bắc Kinh đang xúc tiến thực hiện hứa hẹn tăng mua nông sản Mỹ, yếu tố quan trọng để Trump lấy lòng cử tri ở các bang nông nghiệp.
Trung Quốc có "vũ khí" nếu họ chọn trả đũa Mỹ, như chậm thực hiện thỏa thuận thương mại hay sử dụng vị thế là nhà cung cấp vật tư y tế chính cho Mỹ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio viết trong một bài xã luận tháng trước rằng năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu hơn 12,7 tỷ USD dược phẩm, thuốc kháng sinh, thiết bị y tế từ Trung Quốc, chưa bao gồm hóa chất hữu cơ được sử dụng để tạo ra dược phẩm.
Navarro tuần trước bày tỏ hy vọng sớm hoàn thành soạn thảo sắc lệnh, nhưng nhấn mạnh ông không thúc đẩy nó trong bối cảnh các chuyên gia y tế Mỹ đang lo lắng Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách làm chậm các lô hàng thiết bị y tế. Navarro cho biết sắc lệnh vẫn còn "trong quá trình hình thành".
"Vào thời điểm bình thường, tôi đồng ý rằng Mỹ cần phải có năng lực tự sản xuất máy thở, khẩu trang và các thiết bị y tế khác", Matthew Goodman, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. "Nhưng giờ không phải là lúc để xem xét chính sách như thế".
Phương Vũ (Theo Reuters)