Những ngân hàng Nga chịu ảnh hưởng từ biện pháp mới là các đơn vị "đã bị cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức khác trừng phạt", một phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 26/2 cho biết. "Điều này nhằm cắt đứt các tổ chức nói trên khỏi dòng tài chính quốc tế và sẽ hạn chế hàng loạt hoạt động toàn cầu của họ".
Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) nằm trong số loạt biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.
Trong tuyên bố chung, Nhà Trắng nói rằng nhóm các cường quốc thế giới "quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa với hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế của chúng tôi".
Nga chưa bình luận về thông tin trên. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine".
SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.
Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT được coi là lựa chọn trừng phạt rất mạnh, khiến các tổ chức này về cơ bản không thể tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, biện pháp này có thể dẫn đến hệ quả tốn kém cho các quốc gia khác, nhất là những nước chịu phụ thuộc vào Nga về năng lượng hay lương thực.
Quan chức Đức cho biết các đồng minh phương Tây cũng nhất trí áp dụng biện pháp hạn chế ngăn Ngân hàng Trung ương Nga "sử dụng giao dịch tài chính quốc tế để nâng đỡ đồng rouble". Những người giàu có tại Nga cũng không được phép sử dụng cái gọi là "hệ thống hộ chiếu vàng" để lấy quốc tịch châu Âu cho bản thân và thành viên gia đình.
Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ thành lập tổ công tác "đảm bảo thực thi các biện pháp trừng phạt nhanh chóng và phong tỏa tài sản các cá nhân chịu lệnh trừng phạt, các thành viên gia đình và công ty của họ", quan chức Đức cho biết.
Mỹ và châu Âu từng bất đồng về phương án loại một quốc gia khỏi SWIFT, gần đây nhất là vào năm 2018, khi chính quyền tổng thống Donald Trump muốn cắt quyền tiếp cận hệ thống của Iran. Cuối cùng, SWIFT đã cắt quan hệ với các ngân hàng Iran vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại nước này.
Giới chuyên gia cho rằng SWIFT đang bị đánh giá quá cao, có nguy cơ phản tác dụng khi nó buộc Nga phải dồn lực tìm ra những cách thay thế để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, như củng cố hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc hay phát triển một loại tiền kỹ thuật số riêng.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)