"Với mức độ chuẩn bị và khả năng phối hợp hành động, điều quân chuyên nghiệp như vậy, có thể nói cuộc nổi loạn là kế hoạch quân sự đã được tính toán cẩn thận với sự tham gia của các cá nhân từng phục vụ trong lực lượng tinh nhuệ của Nga, hoặc chuyên gia nước ngoài", ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 24/6 trả lời truyền thông, đề cập đến lực lượng quân sự tư nhân Wagner.
Tuyên bố được ông Medvedev đưa ra sau khi Wagner điều hàng nghìn quân từ chiến trường Ukraine vào biên giới Nga, chia làm nhiều mũi kiểm soát các cơ sở quân sự ở miền nam, sau đó hướng đến thủ đô Moskva, buộc giới chức Nga phải triển khai các biện pháp chống khủng bố để đối phó.
"Đây rõ ràng là một chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm soán đoạt quyền lực ở nước Nga", ông Medvedev nói thêm. Theo ông, đây là lý do những cáo buộc mà trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đưa ra trước đây nhắm vào quân đội Nga đều "không có căn cứ" và "vô nghĩa".
Trước đó, Prigozhin đã nhiều lần chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga, cáo buộc lực lượng chính quy "không hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở Ukraine" và các chỉ huy quân đội "bất tài". Trước khi đưa quân vào biên giới Nga, Prigozhin tố Bộ Quốc phòng đã không kích vào trại huấn luyện của Wagner khiến nhiều người thiệt mạng. Quân đội Nga bác bỏ cáo buộc này.
"Chúng tôi nhận thức rõ hậu quả tiềm tàng của một cuộc đảo chính ở cường quốc hạt nhân. Trong lịch sử loài người, chưa bao giờ có tình huống kho vũ khí hạt nhân lớn nhất rơi vào tay những kẻ nổi loạn. Cuộc khủng hoảng như vậy sẽ đẩy thế giới đến bờ vực hủy diệt", ông Medvedev nhấn mạnh. "Chúng tôi không cho phép kịch bản đó xảy ra".
Vụ nổi loạn của Wagner được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Nga đối mặt trong hàng chục năm qua. Các tay súng dưới quyền Prigozhin đã tiến vào thành phố Rostov-on-Don, thủ phủ tỉnh Rostov, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam Nga, đe dọa sẽ "trừng phạt" Bộ trưởng Quốc phòng.
Cơ quan An ninh Nga (FSB) đã khởi tố Prigozhin với cáo buộc "xúi giục nổi loạn" khi kêu gọi lực lượng Wagner chống lại Bộ Quốc phòng.
Trong phát biểu trưa 24/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi cuộc nổi loạn của Wagner là hành vi phản quốc. Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi các tay súng của tổ chức này rời bỏ ông trùm Prigozhin, cam đoan đảm bảo an toàn cho họ.
Tuy nhiên, Prigozhin tuyên bố ông và các tay súng của mình sẽ không đầu hàng. Lực lượng Wagner sau đó tiến vào thành phố Voronezh và Lipetsk ở phía nam thủ đô Moskva, khiến Nga mở chiến dịch chống khủng bố tại đây để đối phó.
Tối 24/6, Prigozhin bất ngờ ra lệnh cho thành viên Wagner đang tiến đến Moskva quay lại và trở về doanh trại để "tránh đổ máu". Rạng sáng 25/4, Điện Kremlin thông báo Prigozhin sẽ được miễn tố và đảm bảo rời Nga để đến Belarus, các thành viên Wagner tham gia "cuộc nổi dậy" cũng không bị truy tố.
Lính Wagner rút khỏi thành phố Rostov-on-Don sau lệnh của Prigozhin, chấm dứt cuộc nổi loạn. Hiện chưa rõ số phận của Wagner sau biến cố này, nhưng Điện Kremlin cho hay một số thành viên Wagner từ chối tham gia nổi loạn có thể được ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.
Đức Trung (Theo TASS, Reuters)