"Anh yêu, mọi chuyện vẫn ổn chứ?", Jessica gọi cho chồng từ phòng khách, khi đang nằm trên tấm đệm xốp mà con gái thường dùng trong các buổi cắm trại. Jessica thấy có chút khó ngủ khi nằm như thế, nhưng so với chiếc ghế sofa, tấm đệm trải trên sàn nhà vẫn dễ chịu hơn nhiều.
"Anh không muốn đánh thức em nhưng anh cần giúp đỡ một chút", chồng cô khàn khàn nói, run rẩy trong hai lớp áo len mà anh kiên quyết mặc trên người.
Jessica đã quên để thuốc Adil vào chiếc đĩa nhựa đặt trong phòng tắm ở phòng ngủ. Lọ thuốc Adil để ở bên ngoài, Jessica mỗi ngày trút vài viên ra chiếc đĩa nhựa, để giữ cho mọi thứ không bị nhiễm virus.
Bất kể thứ gì chồng cô, anh T, từng chạm vào phải được giữ nguyên trong phòng ngủ hoặc được Jessica cẩn thận mang tới phòng bếp. CK, cô con gái 16 tuổi, sẽ mở máy rửa bát để Jessica đặt chiếc đĩa nhựa vào, rồi cô bé tự tay đóng nắp máy để mẹ không phải chạm vào thứ gì trong bếp. Sau đó, cô bé vặn vòi nước để mẹ rửa tay sạch với xà phòng.
Chồng của Jessica, người đàn ông 56 tuổi cao lớn, năng động, thường ngày thích đạp xe 5 giờ đồng hồ từ hạt Brooklyn tới vịnh Jamaica ở hạt Queens và ngược lại, giờ phải nằm trân trân nhìn trần nhà hoặc cuộn người trong chăn. T phải mặc một bộ đồ ngủ trong nhiều ngày, bởi Jessica không dễ thay nó khi anh không đủ sức để đứng lâu hoặc không thể rời khỏi chiếc chăn vì lạnh.
12 ngày đã qua kể từ ngày 12/3, khi anh choàng tỉnh vì một cơn ớn lạnh. Ngày hôm sau, khi những thông tin cho thấy Covid-19 đang lây lan đáng báo động ở Mỹ, anh cảm thấy ổn hơn trước khi một cơn ớn lạnh khác ập đến, kèm với đó là cảm giác đau nhức và cơn sốt 38 độ C.
Kể từ đó, T khóa mình trong phòng ngủ ở mặt trước căn hộ, nơi ngày ngày anh phải nghe tiếng xe tải chạy ầm ầm ở con đường cạnh nhà và tiếng động cơ của những con tàu ở cảng New York, cách chỗ anh vài dãy nhà. Anh chỉ bò ra khỏi giường để tới phòng tắm, nhưng cánh cửa phòng ngủ vẫn được khóa để tránh con mèo chui vào.
Tờ hướng dẫn "Phải làm gì nếu bạn bị Covid-19" mà phòng khám đưa cho anh hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng nêu rõ: "Cách ly bản thân với mọi người và vật nuôi trong nhà".
Cơn sốt không dứt, thân nhiệt của T sau đó đã tăng lên 38,6 độ C. Xét nghiệm cúm của T cho kết quả âm tính. Nhưng vì có tiền sử hen suyễn nặng, căn bệnh khiến anh phải cấp cứu vài tháng trước đó, T được tiếp tục làm xét nghiệm Covid-19, chỉ một ngày trước khi Mỹ rơi vào cảnh thiếu bộ xét nghiệm và phải hạn chế sàng lọc nCoV.
Jessica đột nhiên đối mặt với một cuộc chiến, khi cô phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đưa chồng đi cấp cứu nếu tình trạng của anh đột nhiên xấu đi, hoặc phải luôn thấp thỏm lo sợ không thể tìm mua được những loại thuốc T cần để chống lại căn bệnh này, như Advil và Tylenol, khi chúng liên tục "cháy hàng".
Cuộc sống của họ giờ đối mặt với những vấn đề mới như xét nghiệm, cách ly, thiếu thuốc và diễn tiến của bệnh. Một người bạn của cô đã lùng sục khắp các cửa hàng và kiếm được một ít gói thuốc Tylenol. Một người bạn khác mua hộ lọ thuốc khác ở một cửa hàng dược phẩm xa hơn. Đối với cô, những thứ này giờ còn quý hơn vàng để có thể giúp chồng cô vượt qua những cơn sốt mỗi đêm.
Ba ngày sau, bác sĩ của T gọi tới và thông báo anh dương tính với nCoV. Trong lúc đó, T nằm nghiêng trên giường, đọc báo về số ca nhiễm nCoV tăng ở bang New York. Anh cũng đọc những câu chuyện về người phải nhập viện, dùng máy thở, về những người không qua khỏi khi nhiễm loại virus giống mình.
Trước đây, Jessica thường cùng chồng và con gái ngồi ăn tối và xem tivi, nhưng giờ, cô có nhiều việc phải làm. Cô phải chuẩn bị bữa tối cho chồng, một bát súp nhỏ để T cầm cự khỏi chứng buồn nôn nghiêm trọng. Cô cũng phải đo thân nhiệt, theo dõi nồng độ oxy trong máu, pha trà, pha thuốc cho chồng. Cô phải liên tục rửa tay, nhắn tin cho bác sĩ khi tình trạng của T xấu đi, ở cạnh anh trong khi T ho sặc sụa trong chăn và xoa đầu gối cho anh qua lớp chăn.
"Em không nên ở đây. Nó có thể giết chết em đấy", T nói, nhưng anh còn sợ hơn khi đêm đến, với những cơn sốt kéo dài, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm, cơ thể không ngừng run rẩy và đau đớn khủng khiếp.
Jessica thay chồng trả lời những tin nhắn hỏi thăm vì T giờ không còn sức để cầm điện thoại. T nhờ Jessica mặc chiếc áo len màu xám mà bố anh thường mặc khi còn sống và cô biết anh ấy sẽ không cởi nó ra.
Trường cấp 3 của CK đóng cửa từ hôm 13/3 và giờ chuẩn bị bắt đầu chương trình dạy học từ xa, giống các trường công còn lại ở thành phố New York. Cô bé và các bạn cùng lớp đã nhận được hướng dẫn của giáo viên và quản lý nhà trường, cùng những lời nhắc nhở được lặp đi lặp lại: Các em phải học tập chăm chỉ bởi đây không phải kỳ nghỉ. Mỗi ngày qua đi, CK từ một cô bé mơ mộng giờ đã trở thành trợ lý đắc lực của Jessica trong việc chăm sóc T, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, cho mèo ăn, vứt rác, gấp quần áo, chuẩn bị bữa ăn nhỏ cho bố, rửa bát đĩa.
Jessica cố gắng làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Cô lau sạch tay nắm cửa, công tắc đèn, vòi nước, tay cầm và các bề mặt bằng nước sát khuẩn. Cô thậm chí còn dùng cồn để lau điện thoại và thường xuyên giặt khăn tắm.
"Khi CK muốn đi tắm, tôi sẽ lau lại toàn bộ nhà tắm, đặc biệt những nơi chồng tôi từng chạm tới, bằng nước khử trùng. Tôi thay toàn bộ khăn mặt và khăn tắm, đồng thời nhắc con hạn chế chạm vào bất kỳ thứ gì, tắm giặt nhanh và trở về phòng riêng", Jessica nói.
Tuần đầu tiên T bị ốm, Jessica hai lần giúp chồng tắm bằng muối epsom. Nhưng kể từ đó, cô không thể tiếp tục làm vậy bởi T giờ quá yếu. Giờ đây, mỗi lần đi tới phòng tắm, T đều phải dựa lần vào tường. Anh chỉ đủ sức vã nước lên mặt rồi quay về phòng ngủ.
Trong khi đó, Jessica phải tính tới mọi trường hợp có thể xảy ra. Cô không quá lo lắng nếu CK bị ốm bởi cô có thể chăm sóc cho con. Hoặc nếu bị ốm, cô vẫn có thể hướng dẫn nhiều thứ cho con. Nhưng điều Jessica lo lắng là nếu T hoặc cô phải nhập viện, cô con gái 16 tuổi có thể ở nhà một mình và tự chăm sóc bản thân hay không, cũng như có thể làm điều đó trong bao lâu.
"Tôi biết mình không thể gửi con bé tới chỗ bố mẹ tôi, những người đã gần 80 tuổi, ở Long Island. Họ muốn con bé tới nhưng con bé có thể sẽ gây nguy hiểm cho họ nếu ôm hôn ông bà trong khi có thể đã nhiễm virus. Không có ai khác có thể chăm sóc con bé, hoặc có phòng ngủ và phòng tắm riêng để con bé có thể tự cách ly và được chăm sóc", Jessica chia sẻ.
Tỉnh giấc lúc 4h sáng, Jessica nằm trên sàn nhà và trằn trọc suy nghĩ.
Đêm luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất khi nỗi sợ hãi kéo đến. T bị sốt, nằm mê man và gọi CK bằng tên của bạn gái cũ 20 năm trước. Jessica đã có tới ba lần phải đứng trước quyết định liệu có phải đưa T vào viện cấp cứu khi trao đổi với bác sĩ qua điện thoại.
Mỗi lần như vậy, Jessica bật khóc nức nở trong nhà tắm và nói lớn "Em sợ mình có quyết định sai lầm". Cả ba lần đó họ vẫn quyết định ở nhà, bởi T không bị khó thở nên chưa cần nhập viện. Một bác sĩ mà Jessica liên lạc từng nói chồng cô hoàn toàn có thể ở nhà nếu nồng độ oxy trong máu không qua thấp và không bị khó thở.
"Khi tôi mở cửa phòng và thấy anh ấy đã ngủ, tôi rón rén bước đến gần để kiểm và đảm bảo rằng chồng tôi còn sống và đang thở bình thường, giống như điều tôi từng làm khi CK còn là một đứa trẻ sơ sinh ngủ trong cũi", Jessica kể và thêm rằng có đêm cô phải ở ngồi bên giường của chồng, cố gắng xoa người anh qua lớp chăn và hát ru để T có thể cảm thấy dễ chịu hơn.
Jessica quyết định đưa T tới phòng khám khi cả ngày hôm trước anh bị đau đầu, buồn nôn, ho nhiều hơn và phải sử dụng thuốc hít hen suyễn nhiều hơn, sau đó lại tiếp tục ho. Ban ngày người T đẫm mồ hôi nhưng đêm đến lại lạnh run và cuộn mình trong chăn. "Anh vừa ho ra máu", T nói với Jessica.
Trước đó, Jessica đã gọi điện nói chuyện với bác sĩ của T. Ông ấy nói rằng nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy khỏe dần lên sau một tuần. Nhưng một số người khác, những ca bệnh nghiêm trọng, tình hình ngày càng tồi tệ hơn và rủi ro tăng cao khi virus tấn công phổi. Viêm phổi là giai đoạn tiếp theo của quá trình tấn công của virus.
Bác sĩ khuyên vợ chồng Jessica tới phòng khám chụp X-quang lồng ngực vào sáng hôm đó. T vẫn ho liên tục sau chiếc khẩu trang khi trên đường tới phòng khám. Trên phố có ít người hơn vài ngày trước, thời điểm Thống đốc bang New York Andrew Cuomo kêu gọi mọi người nên ở nhà nhiều hơn.
Tại phòng khám, T kéo ghế và ngồi dựa lưng vào tường, mắt khép chặt trong khi Jessica bước tới quầy lễ tân. "Chồng tôi bị nhiễm Covid-19", cô nói.
Cô gái ở quầy lễ tân đưa cho Jessica một chiếc khẩu trang. Bác sĩ của T hôm nay làm việc ở một phòng khám khác nên họ được sắp xếp một người khác khám thay. Trong lúc ngồi đợi, mắt T vẫn nhắm nghiền.
"Chúng tôi được gọi vào phòng khám. Những y tá đeo khẩu trang kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của T. Anh ấy chỉ sốt 37.2 độ C, nhưng có thể là do ảnh hưởng của thuốc. Huyết áp, nhịp tim và nồng độ oxy trong máu đều bình thường. Chúng tôi nói với họ về những cơn sốt, tình trạng đổ mồ hôi, buồn nôn, ho ra máu và nồng độ oxy trong máu đo tại nhà sáng nay thấp hơn", cô kể.
Bác sĩ đeo khẩu trang và kính bảo hộ bước vào. T được y tá đưa đi chụp X-quang. "Thật không dễ dàng khi phải giơ cao hai tay trên đầu", T nói khi quay lại.
Hình ảnh chụp X-quang khác nhiều so với lần chụp một tuần trước và bác sĩ cho biết T bị viêm phổi trái. Bác sĩ của T đã rất sáng suốt khi yêu cầu anh dùng kháng sinh vào đêm hôm trước. Khi bác sĩ nghe tim phổi, không có tiếng khò khè phát ra. T cũng không có vấn đề gì về hô hấp nên anh có thể điều trị tại nhà. "Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của anh", bác sĩ nói.
Trước cửa phòng khám, Jessica và chồng đứng gần hai người phụ nữ lớn tuổi đang nói chuyện với nhau. Cô tự hỏi có nên bảo họ rời đi, kêu họ đứng cách xa và về nhà, rửa tay và không ra ngoài. Nhưng cuối cùng, Jessica chỉ biết lúng túng đứng cạnh cho tới khi họ rời đi.
"Chúng tôi đi qua ba dãy phố để về nhà. T nói anh lạnh. Nhiều sợi râu dưới cằm anh đã bạc. Vài người đi qua chúng tôi trên vỉa hè chắc không biết chúng tôi như những vị khách đến từ tương lai. Hình ảnh của chúng tôi sẽ có thể là họ trong tương lai: hoặc là T, người phải đeo khẩu trang, hoặc nếu may mắn hơn là tôi, người phải chăm sóc anh ấy", Jessica nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)