"Thật đáng tiếc, chúng tôi đã xác nhận một số trường hợp lính nghĩa vụ có mặt trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói ngày 9/3. "Gần như tất cả những người này đã được rút về lãnh thổ Nga".
Tuy nhiên, ông thêm rằng một số lính nghĩa vụ đã bị Ukraine bắt làm tù binh, đồng thời khẳng định Moskva sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn lính nghĩa vụ bị gửi đến các khu vực xung đột khác".
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 7/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "lính nghĩa vụ không tham gia cuộc giao tranh" ở Ukraine và "các mục tiêu đã định của chiến dịch quân sự chỉ do các quân nhân chuyên nghiệp thực hiện".
Sau thông báo mới của Bộ Quốc phòng, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, giải thích rằng trước khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông chủ Điện Kremlin đã yêu cầu các chỉ huy quân đội Nga "loại trừ dứt khoát" lính nghĩa vụ khỏi cuộc xung đột và tuyên bố sẽ "trừng phạt" các quan chức đã cử họ đến Ukraine.
Tổng thống Putin hôm 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, tuyên bố không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine, mà nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, bao vây Mariupol ở đông nam, Kharkov ở đông bắc Ukraine và tìm cách tạo thế gọng kìm với thủ đô Kiev. Quân đội Ukraine đánh giá đà tiến công của lực lượng Nga đang "chậm lại đáng kể".
Điện Kremlin hôm 7/3 tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ lập tức kết thúc nếu Kiev đáp ứng các điều kiện gồm ngừng các hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, thừa nhận Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập cho các "nước cộng hòa Donetsk và Lugansk" ở miền đông.
Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga, trong khi Anh và EU cũng công bố các kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Moskva để tăng áp lực với Điện Kremlin.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP)