"Tôi nghĩ Nord Stream 2 bây giờ chỉ còn là những ống kim loại dưới đáy biển và không có ngày hồi sinh", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về Các vấn đề Chính trị Victoria Nuland nói với các nghị sĩ hôm 8/3 trong phiên điều trần đánh giá phản ứng của Washington với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuyên bố của bà Nuland dường như dập tắt mọi hy vọng về cơ hội hồi sinh đường ống khí đốt Nord Stream 2, vốn đã hoàn thành lắp đặt nhưng đang bị Đức đình chỉ phê duyệt.
Bình luận trên được đưa ra cùng ngày Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu xăng dầu và năng lượng từ Nga. Mỹ nhập khẩu trung bình 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga mỗi tháng trong năm 2021, chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào nước này. Lệnh cấm có thể khiến lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố kế hoạch cắt giảm lượng dầu, khí đốt nhập từ Nga trong năm nay, giúp hạn chế phụ thuộc vào nguồn cung của Moskva bằng các biện pháp tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, đẩy mạnh dự trữ cho mùa đông năm sau và tăng cường nỗ lực cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.
"Còn nhiều điều hơn thế nữa từ các đối tác G7, EU và các nước trên thế giới, nếu Tổng thống Putin không chấm dứt cuộc chiến này", bà Nuland nói. "Chúng tôi đang làm việc với đồng minh, đối tác để đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế gián đoạn và ngăn Nga vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng toàn cầu".
Nord Stream 2, đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan, bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái, dự kiến tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm.
Dự án này sẽ cung cấp giải pháp thay thế cho hệ thống đường ống cũ kỹ qua Ukraine, đồng thời giúp Nga hạ giá khí đốt nhờ tiết kiệm được chi phí trung chuyển trả cho Ukraine. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho hay Nord Stream 2 sẽ giúp họ đáp ứng nhu cầu khí đốt giá rẻ ngày càng tăng của châu Âu, thị trường rất quan trọng của Gazprom.
Mỹ và các đồng minh châu Âu của Đức từ lâu phản đối đường ống này, lo ngại Nga có thể sử dụng dự án làm vũ khí địa chính trị và làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2 cho biết đã yêu cầu cơ quan quản lý của Đức đình chỉ quá trình xem xét phê duyệt dự án Nord Stream 2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai ở phía đông Ukraine. Một ngày sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden áp lệnh trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG và quan chức doanh nghiệp để đáp trả động thái Nga tăng áp lực quân sự với Ukraine.
Nga hôm 7/3 dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu và cảnh báo giá dầu có thể lên 300 USD/thùng nếu phương Tây cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Các lãnh đạo châu Âu sẽ họp tại Versailles, Pháp vào ngày 10/3 để thảo luận về các biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt Nga.
Huyền Lê (Theo AFP)