"Thật không may, toàn bộ liên minh đang bị một quốc gia thành viên biến thành con tin. Chúng ta phải đạt được giải pháp, chúng ta không thể bị bắt làm con tin", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói trong cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ hôm nay.
Tuyên bố được Ngoại trưởng Landsbergis đưa ra khi đề cập tới Hungary, quốc gia thành viên EU vẫn tiếp tục ngăn khối này đạt đồng thuận về lệnh cấm dầu Nga.
EU đầu tháng này công bố các đề xuất về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực, song Hungary phản đối đề xuất này, dù đã được nới thời hạn từ bỏ dầu Nga tới cuối năm 2024.
"Mọi người đều cho rằng khoảng thời gian miễn từ như vậy là quá đủ rồi", Landsbergis nói, khi một số người cho rằng Hungary có thể thay đổi quan điểm nếu có thêm thời gian để chuyển đổi hệ thống năng lượng nhằm xử lý các loại dầu không có nguồn gốc từ Nga.
Thủ tướng Hungary Victor Orban nói lệnh cấm dầu sẽ là "quả bom hạt nhân" đối với nền kinh tế và muốn EU cho Budapest 5 năm để thay thế dầu Nga, trong khi Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjerto tuyên bố nước này chỉ có thể bỏ phiếu thông qua đề xuất nếu EU đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà lệnh cấm dầu sẽ gây ra.
Theo Ngoại trưởng Hungary, hiện chưa có giải pháp nào cho nước này nếu EU cấm dầu Nga, lập luận rằng Budapest cần hàng trăm triệu USD để chuyển đổi các nhà máy lọc dầu và tăng công suất của đường ống dẫn dầu từ Croatia đến Hungary, cũng như bồi thường tổn thất kinh tế cho Hungary.
Tuy nhiên, các ngoại trưởng EU khẳng định lệnh cấm dầu Nga vẫn sẽ được ban hành, dù họ mất nhiều thời gian hơn để đi đến thỏa thuận. "Gói trừng phạt này sẽ được thông qua, bao gồm lệnh cấm dầu", Ngoại trưởng Estonia Eva-Maria Liimets cho hay.
Một số nhà ngoại giao hiện coi hội nghị thượng đỉnh EU ngày 30-31/5 là thời điểm khối đạt thỏa thuận về lệnh cấm dầu Nga theo giai đoạn, có thể kéo dài hơn 6 tháng. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu Nga, sẽ được miễn trừ thực hiện lệnh cấm cho đến nửa cuối năm 2024.
EU mỗi ngày nhập khẩu 3-3,5 triệu thùng dầu Nga, trị giá khoảng 400 triệu USD. Nguồn cung từ Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Hungary cho biết 65% lượng dầu và 85% nguồn cung khí đốt của nước này đến từ Nga.
EU cũng đề xuất cấm ba đài truyền hình Nga phát sóng ở EU và loại SberBank, hiện là ngân hàng lớn nhất của Nga, cùng hai ngân hàng khác khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như trừng phạt các sĩ quan cấp cao quân đội Nga bị cáo buộc "phạm tội ác chiến tranh" ở Bucha và Mariupol, Ukraine.
Nga từ lâu tuyên bố các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không phát huy tác dụng, cảnh báo chúng sẽ gây thiệt hại nặng nề cho châu Âu hơn là với Moskva.
Huyền Lê (Theo Reuters)