"Chúng tôi đã nói rõ với Ủy ban châu Âu rằng Hungary chỉ có thể bỏ phiếu thông qua đề xuất này nếu Brussels đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà lệnh cấm này sẽ gây ra", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjerto hôm 11/5 cho biết trong một video đăng trên Facebook.
Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 5 vòng trừng phạt đối với Nga từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu công bố các đề xuất về gói trừng phạt thứ sáu, bao gồm lệnh cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga, nhưng được thực hiện theo lộ trình. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.
Đại sứ 27 nước EU cuối tuần trước họp tại trụ sở ở Brussel, Bỉ để tìm cách đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ sáu. Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Hungary đã ngăn khối đạt thỏa thuận về lệnh cấm dầu Nga.
"Chúng tôi đang mong đợi một giải pháp không chỉ liên quan việc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của chúng tôi, vốn sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD, việc tăng công suất của đường ống dẫn dầu chạy xuyên Croatia đến Hungary, cũng sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD, mà còn liên quan tương lai của nền kinh tế Hungary. Như tôi đã nói trước đó, đề xuất này giống như quả bom nguyên tử đối với nền kinh tế Hungary", ông Szijjerto nhấn mạnh.
Tuần trước, Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary, nói rằng đề xuất của EU "chống lại an ninh năng lượng quốc gia của Hungary". Theo ông Kovacs, Hungary nói với EU rằng các công ty dầu mỏ nước này đã tuyên bố rõ rằng họ không thể loại bỏ việc nhập khẩu dầu Nga trong ít nhất 3-5 năm.
EU được cho là đã đề nghị Hungary và Slovakia, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu Nga, cũng như Cộng hòa Czech, hoãn thực hiện các lệnh trừng phạt cho đến nửa cuối năm 2024. Các quốc gia khác được cho là sẽ sớm chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế, chậm nhất vào năm sau.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Victor Orban cuối tuần trước nói ông muốn EU cho Hungary 5 năm để thay thế dầu của Nga. 65% lượng dầu và 85% nguồn cung khí đốt của Hungary đến từ Nga.
EU nhập khẩu 3 - 3,5 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga vào năm 2021.
Những biện pháp khác được đề xuất trong gói trừng phạt thứ sáu bao gồm liệt kê danh sách các sĩ quan quân đội cấp cao và cá nhân bị cáo buộc "phạm tội ác chiến tranh" ở Bucha và bao vây thành phố Mariupol, cấm ba đài truyền hình Nga phát sóng ở EU và loại SberBank, hiện là ngân hàng lớn nhất của Nga, cùng hai ngân hàng khác khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.
Huyền Lê (Theo CNN)