Lệnh hạn chế đi lại được thống đốc các bang Mỹ đặt tên khác nhau. Thống đốc bang Washington Jay Inslee gọi đây là chính sách "ở nhà và giữ sức khỏe", trong khi hạt Hillsborough tại bang Florida gọi đây là "an toàn hơn khi ở nhà", còn thành phố Anchorage của bang Alaska đề nghị dân chúng "ngồi im".
Tại các bang chưa ban hành lệnh phong tỏa để ngăn nCoV, nhiều thành phố và hạt đã yêu cầu dân chúng không ra khỏi nhà trừ khi cần thiết. Bang Nevada, Bắc Carolina và Pennsylvania đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh không thiết yếu dừng hoạt động song chưa lệnh cho dân ở nhà. Vùng lãnh thổ Puerto Rico áp lệnh hạn chế đi lại, trong khi Guam chỉ yêu cầu đóng cửa một số cơ sở kinh doanh.
Lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa một số cơ sở kinh doanh nhằm hạn chế tối đa dân chúng tiếp xúc với người khác trong phạm vi 2 m. Các lệnh này ảnh hưởng tới hơn 256 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 78% dân số tại 30 bang và thủ đô Washington D.C.
Cơ sở kinh doanh thiết yếu và không thiết yếu được định nghĩa khác nhau ở nhiều địa phương của Mỹ, song các dịch vụ giải trí thường được đưa vào danh sách không thiết yếu. Một số nơi cho phép cửa hàng tạp hóa, ngân hàng và nhà thuốc hoạt động, ở nhiều nơi khác nhà hàng được phép hoạt động nhưng chỉ phục vụ khách mang đi. Phần lớn bảo tàng và cửa hàng tóc phải đóng cửa, các địa phương có quy định khác nhau với hoạt động xây dựng và cửa hàng bán cần sa.
Tại một số nơi, lệnh yêu cầu ở nhà gây ra nhầm lẫn hoặc thậm chí là xung đột. Thống đốc bang Mississippi Tate Reeves ban hành sắc lệnh quy định cửa hàng súng, bách hóa và văn phòng bất động sản là cơ sở kinh doanh thiết yếu, trong khi giới chức các hạt lại yêu cầu những nơi này đóng cửa.
Mỹ đến nay ghi nhận hơn 163.000 người nhiễm nCoV, trong đó hơn 3.000 người chết và hơn 5.500 người đã hồi phục. Tổng thống Donald Trump cảnh báo 30 ngày tới là "thời gian thách thức" với Mỹ, song vẫn lạc quan khi nói rằng "chúng ta sẽ giành chiến thắng vĩ đại".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019. 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 với hơn 780.000 ca nhiễm nCoV, hơn 37.000 người chết và hơn 165.000 người đã hồi phục. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha là ba nước ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo BI, CNN)