"Nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập liên minh quân sự NATO, họ có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của chúng tôi", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với phóng viên hôm 3/5 sau hai ngày họp kín với lãnh đạo hai nước Bắc Âu tại thị trấn gần thủ đô Berlin.
Ông Scholz cũng tuyên bố Phần Lan và Thụy Điển có thể dựa vào sự ủng hộ của Đức trong giai đoạn chờ được phê duyệt đơn xin gia nhập NATO. "Cùng là người châu Âu, chúng tôi thấy mình có nghĩa vụ phải làm như vậy", Thủ tướng Đức nói.
Bình luận được ông Scholz đưa ra sau thông tin Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto có thể công bố ý định gia nhập NATO sớm nhất vào ngày 12/5. Hiện chưa rõ liệu Thụy Điển có động thái tương tự không, dù quốc hội nước này gần đây cho biết sẽ rà soát chính sách an ninh quốc gia và xem xét các mặt lợi, hại của phương án gia nhập NATO trước khi đưa ra quyết định.
Một số nguồn tin trước đó nói rằng hai nước sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO cùng thời điểm. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tuần trước cho hay đất nước ông có thể nộp đơn xin gia nhập NATO mà không cần chờ nước láng giềng.
"Sẽ rất tốt nếu nộp đơn cùng thời điểm với Thụy Điển, nhưng điều đó phụ thuộc vào quyết định của Stockholm", ông Haavisto cho hay, thêm rằng Phần Lan có thể khởi động quá trình xin gia nhập NATO "trước mùa hè".
Phát biểu sau bình luận của Thủ tướng Scholz, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói Stockholm vẫn chưa đưa ra quyết định, tất cả lựa chọn đều đang được xem xét và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Phần Lan. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng đưa ra phát biểu tương tự.
"Phần Lan và Thụy Điển đang phải đối mặt với những quyết định quan trọng liên quan đến an ninh", bà Marin nói. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "đã thay đổi đáng kể môi trường an ninh của chúng tôi và nó không thể trở lại như ban đầu".
Thủ tướng Đức cũng coi chiến dịch quân sự của Nga là "bước ngoặt" đối với an ninh châu Âu, khiến Berlin phải thay đổi quan điểm không chuyển vũ khí tới các vùng xung đột mà nước này duy trì lâu nay.
"Thay đổi chính sách đó là đúng đắn và cần thiết. Chúng tôi đang cung cấp hỗ trợ quy mô lớn cho Ukraine và sẽ tiếp tục làm như vậy", ông Scholz nhấn mạnh.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển và Phần Lan đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với NATO và thường xuyên cử lực lượng tham gia các cuộc tập trận chung với khối. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong huấn luyện quân sự từ năm 2015.
Nhưng dù là đối tác thân thiết của NATO, Helsinki và Stockholm đều không được bảo vệ theo Điều 5 về quy tắc phòng thủ chung theo hiệp ước của liên minh. Giới quan sát cho rằng gia nhập NATO sẽ giúp cả hai nước tăng đảm bảo an ninh và sức răn đe trước các mối đe dọa.
Nga từ lâu phản đối NATO mở rộng về phía đông. Điện Kremlin hôm 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Huyền Lê (Theo DW, RT)