"Chúng tôi đang xem xét một loại giấy chứng nhận miễn dịch. Những người từng nhiễm bệnh đã có kháng thể và khả năng miễn dịch có thể nhận được giấy và nhanh chóng quay lại cuộc sống thường ngày càng nhiều càng tốt", Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói tại một cuộc họp báo ở dinh thủ tướng Anh số 10 phố Downing hôm 2/4.
Hancock cho biết đang xem xét quyết định này và sẽ sớm thực hiện, song dựa trên yếu tố khoa học, vẫn còn quá sớm để làm sáng tỏ vấn đề. Anh đã yêu cầu hàng triệu xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho đến nay đã được chứng minh là không hiệu quả và chính phủ vẫn chưa đồng ý sử dụng.
"Kết quả ban đầu của một vài xét nghiệm không tốt, song chúng tôi hy vọng các xét nghiệm sau này đủ độ tin cậy để mọi người yên tâm sử dụng", Hancock nói.
Các xét nghiệm nCoV trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tây Ban Nha gần đây buộc phải trả lại hàng chục nghìn bộ xét nghiệm nhanh từ một công ty Trung Quốc sau khi chúng bị phát hiện cung cấp kết quả không nhất quán.
Các nhà khoa học cũng không chắc chắn về mức độ nhiễm bệnh trong quá khứ có thể ngăn ngừa tái nhiễm và duy trì thời gian miễn dịch hay không.
Đức cũng đang xem xét cấp "hộ chiếu miễn dịch". Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu truyền nhiễm Helmholtz ở Đức có kế hoạch gửi hàng trăm nghìn xét nghiệm kháng thể trong những tuần tới. Điều này có thể cho phép mọi người không phải chịu lệnh phong tỏa. Nếu dự án được phê duyệt, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu xét nghiệm 100.000 người từ tháng này.
Các xét nghiệm được xây dựng để phát hiện liệu một người có phát triển kháng thể với nCoV hay không. Các kháng thể chỉ ra rằng người được xét nghiệm từng mang mầm bệnh và có thể đã phát triển khả năng miễn dịch.
Kết quả xét nghiệm dương tính có thể cho phép người đó không phải chịu lệnh phong tỏa. Trong khi đó, nếu có nhiều kết quả dương tính, chính phủ sẽ có thể giảm bớt các hạn chế trong khu vực "miễn dịch cộng đồng".
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn một triệu người nhiễm bệnh, hơn 53.000 người chết. Anh và Đức đang là hai vùng dịch lớn của châu Âu, khi ghi nhận lần lượt hơn 84.000 và 33.000 ca nhiễm nCoV.
Ngọc Ánh (Theo Business Insider)