Theo New York Times, không quốc gia nào đóng vai trò quan trọng đối với du lịch toàn cầu trong thập kỷ qua hơn Trung Quốc. Khách Trung Quốc đã chi 260 tỷ USD trong năm 2019 (trước khi có Covid-19), vượt mọi nước khác. Nhưng biên giới Trung Quốc vẫn đóng, ít nhất tới cuối năm nay. Khi thế giới bắt đầu mở cửa nhưng vắng bóng khách Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng sự phục hồi du lịch vẫn chưa thể đạt như trước dịch.
Một trong những thị trường du lịch phụ thuộc nhiều nhất vào khách Trung Quốc là Thái Lan. Một nhà hàng chuyên đón khách Trung ở đảo Koh Larn mùa cao điểm đón 500-1.000 khách mỗi ngày, thu nhập hằng ngày của quán thời điểm đó là 6.000 USD. Hiện tại, con số là 300 USD. "Kể từ khi họ không đến nữa, chúng tôi mất 80% thu nhập", chủ nhà hàng nói. Điều tương tự diễn ra ở các địa điểm khác như khu vui chơi, chợ đêm, hàng quán, bến du thuyền...
Đối với những nơi phục vụ khách du lịch Trung Quốc đi theo tour trọn gói, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Trên đảo Jeju, Hàn Quốc, số lượng khách Trung năm 2020 giảm hơn 90% so với 2019; xuống còn 103.000 từ một triệu lượt khách. Sang năm 2021, con số đó chỉ còn hơn 5.000 lượt.
Hong Sukkyoun, phát ngôn viên của Hiệp hội Du lịch Jeju, cho biết hơn 50% cửa hàng miễn thuế phục vụ khách Trung Quốc ở Jeju đã đóng. Tại Trung tâm mua sắm chính, nơi bán các đặc sản của đảo như chocolate và đồ thủ công, gần hết nhân viên phải nghỉ việc.
Tại Australia, khách Trung Quốc được coi là "trụ cột" của thị trường du lịch. Năm 2019, nước này đón 1,43 triệu khách Trung Quốc, và hưởng lợi 12,4 tỷ USD từ chi tiêu của họ.
Feng Hong, một doanh nhân người Trung Quốc, nói: "Thật tốt khi biết rằng Australia đã mở cửa. Nhưng điều đó chẳng nghĩa lý gì nếu Trung Quốc vẫn đóng cửa với du lịch quốc tế".
Châu Âu, nơi khách Trung Quốc vốn ít phổ biến so với ở châu Á - Thái Bình Dương, những năm gần đây đã nổi lên như một thị trường ngày càng quan trọng. Một ví dụ là bảo tàng Sherlock Holmes ở London, Anh. Vào ngày cao điểm nơi đây đón 1.000 khách và 50% số đó là khách Trung Quốc, Paul Leharne, giám sát viên bảo tàng, cho biết. Từ khi mở lại tháng 5/2021, bảo tàng chỉ đón 10% tổng lượng khách trước dịch. Khi họ mở một gian hàng trực tuyến bán đồ lưu niệm, 30% đơn đặt hàng đến từ Trung Quốc.
"Chúng tôi thấy rõ sự vắng mặt của họ", Alfonsina Russo, Giám đốc Đấu trường La mã ở Rome, nói về khách du lịch Trung Quốc. Theo bà Russo, khách châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chiếm 40% lượng khách quốc tế đến đây năm 2019. Năm đó, trang web hướng dẫn của Đấu trường La mã đã có thêm bảng chỉ dẫn bằng tiếng Trung song song tiếng Anh và Italy.
Ở Paris, Pháp, hàng dài du khách Trung Quốc đi dạo quanh các cửa hàng ở đại lộ Champs-Élysées từng là cảnh thường thấy. Khaled Yesli, 28 tuổi, giám đốc bán lẻ của một cửa hàng sang trọng trên đại lộ, cho biết: "Trước đại dịch, chúng tôi có bốn nhân viên bán hàng nói tiếng Trung, giờ chỉ còn một và chưa có ý định tuyển thêm". Trước đây, một vài đồ lưu niệm của cửa hàng thậm chí được thiết kế để phục vụ khách Trung Quốc, và giờ đây số đồ đó ế ẩm vì không có người mua.
Nỗ lực đón khách
Dù khách Trung Quốc không đến Thái Lan dịp Tết, người dân địa phương vẫn treo đèn lồng đỏ khắp các bãi biển và khu phố Tàu từ Bangkok đến Phuket. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tin rằng, dù trong dịch bệnh, quốc gia này vẫn là một điểm đến được nhiều khách yêu thích.
Chính phủ đang lên kế hoạch thiết lập các thỏa thuận song phương về du lịch với Trung Quốc. Sự trở lại của họ được cho là chìa khóa cho sự hồi phục kinh tế bền vững. Các cuộc đàm phán này được Thái Lan thúc đẩy liên tục trong tháng 2, khi thủ tướng Prayuth Chan-ocha sẽ sớm thảo luận với Bộ trưởng Văn hóa Du lịch Trung Quốc chi tiết về các chương trình kích cầu.
Chính phủ Australia cho biết họ không muốn từ bỏ thị trường rộng lớn này, vẫn tiếp tục quảng bá du lịch với khách Trung Quốc trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Ngành du lịch Australia từng tổ chức một sự kiện với hơn 200 đại lý Trung Quốc. Tuy nhiên giờ các đại lý đều không nhận điện thoại, hoặc nói rằng họ đã ngừng công việc kinh doanh.
Catherine Oden, nhân viên của Atout France, cơ quan chuyên quảng bá du lịch Pháp, cho biết cô phải làm quen với các nền tảng mạng xã hội như Weibo và Douyin. Tại đây, cô thường đăng bài, phát trực tiếp các hoạt động ảo như dạy nấu ăn và tham quan nước Pháp qua màn ảnh. Oden nói rằng cô muốn nước Pháp luôn ở trong tâm trí du khách Trung Quốc, và khi mọi thứ trở lại bình thường họ sẽ chọn nơi này là điểm đến đầu tiên.
Học viện Du lịch Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết số chuyến du lịch nước ngoài của người dân năm 2020 giảm 86,9% so với 2019. Hơn 80% người Trung Quốc được hỏi cho biết hiện chỉ muốn du lịch nội địa để đảm bảo an toàn. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuần trước cảnh báo sẽ có khoảng 2 triệu người chết vì Covid-19 nếu nước này mở cửa biên giới và nới lỏng hạn chế. Du khách nhập cảnh Trung Quốc phải cách ly trong một khách sạn do chính phủ chỉ định hai tuần, tuần thứ ba phải cách ly tại nhà riêng hoặc một nơi tự chọn.
Anh Minh tổng hợp