Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khi mùa đông đang tới. Thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 421.561 người nhiễm nCoV được báo cáo trong 24 giờ qua, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Thêm 4.869 ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 1.163.588, trong khi 32.123.941 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 8.957.018 ca nhiễm và 230.986 người chết, tăng lần lượt 69.404 và 494 ca so với một ngày trước đó.
Tiến sĩ Anthony Fauci từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ngày 25/10 cho hay giới chuyên gia tới đầu tháng 12 sẽ biết liệu vaccine Covid-19 tiềm năng có an toàn và hiệu quả hay không, song việc tiêm chủng đại trà nhiều khả năng sẽ không thể được triển khai cho tới cuối năm sau.
Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ ra rằng thậm chí nếu vacine hoàn thành năm nay và đến tay nhóm bệnh nhân đầu tiên thì họ vẫn chưa có miễn dịch bảo vệ trong khoảng hai đến ba tháng.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 36.838 ca nhiễm và 505 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 7.945.888 và 119.535.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 20/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo cung cấp vaccine Covid-19 cho mọi người khi sẵn sàng. Modi kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang và tuân thủ cách biệt cộng đồng nhằm ngăn chặn virus lây lan mạnh hơn trong mùa lễ hội sắp tới.
Giới chức cho biết ngày 23/10 rằng Ấn Độ đang khẩn trương chuẩn bị một cơ sở dữ liệu tất cả các nhân viên y tế để nhanh chóng tiêm chủng cho họ ngay khi vaccine sẵn sàng.
Bộ Y tế Ấn Độ cho hay tỷ lệ hồi phục sau khi nhiễm virus đã đạt 90% trong khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm, được duy trí dưới mức 70.000 ngày thứ 4 liên tiếp.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 234 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 157.397. Số người nhiễm nCoV tăng 15.726 trong 24 giờ qua, lên 5.409.854.
Thống kê cho thấy số liệu về nCoV của Brazil đang trên đà giảm sau khi tăng vọt hồi giữa năm. Dù vậy, quá trình giảm này diễn ra chậm hơn so với các nước châu Âu và châu Á, đồng nghĩa với việc Brazil có thể chưa vượt qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên.
Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa ngày 23/10 cho phép Viện Butantan của Sao Paulo nhập khẩu 6 triệu liều vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac, mặc dù Tổng thống Bolsonaro hồi giữa tuần nói rằng Brazil sẽ không mua vaccine Trung Quốc. Vaccine của Sinovac đang thử nghiệm giai đoạn ba. Butantan sẽ sản xuất vaccine này nếu nó được chứng minh là có hiệu quả.
Nga ghi nhận thêm 219 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 26.269, trong khi số ca nhiễm tăng 17.347, lên 1.531.224. Giống nhiều quốc gia ở châu Âu, Nga đang chứng kiến ca nhiễm tăng khi thời tiết lạnh trở lại.
Dù tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, giới chức Nga vẫn loại bỏ khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như hồi đầu năm. Các chuyên gia y tế cấp cao Nga cảnh báo số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày của nước này sẽ chạm ngưỡng 20.000 trước khi ổn định trở lại và giảm xuống trong hai tuần tới.
Giới chức cho biết có thể mất nửa năm để ổn định tình hình và nhiều năm nữa đất nước mới vượt qua được những ảnh hưởng của dịch bệnh. Thủ đô Moskva đã yêu cầu các doanh nghiệp để ít nhất 1/3 số nhân viên làm việc từ xa. Tại một số khu vực, các cơ sở giáo dục cũng đã chuyển sang phương pháp học tập từ xa.
Tổng ca nhiễm mới ở châu Âu tăng gấp hai lần trong hơn 10 ngày qua, vượt mức 200.000 ca nhiễm mới một ngày hôm 22/10. Các bệnh viện trên khắp châu Âu đang trong tình trạng căng thẳng. Dù vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm 6 tháng trước, tỷ lệ người nhiễm nCoV phải nhập viện đang tăng trở lại.
Pháp ghi nhận thêm 26.771 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 1.165.278 ca, trong đó 35.018 người chết, tăng 257. Đây là nước thứ hai trong EU và là nước thứ bảy trên thế giới báo cáo ca nhiễm vượt một triệu.
Cơ quan y tế quốc gia hôm 25/10 cho biết 17% số người được xét nghiệm nCoV đã cho kết quả dương tính, tăng từ 4,5% vào đầu tháng 9.
Tổng thống Emmanuel Macron ban bố lệnh giới nghiêm ở Paris và 8 thành phố lớn khác trong 6 tuần, bắt đầu từ 17/10. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 21h đến 6h sáng hôm sau. Dân chúng được phép đi lại vì mục đích thiết yếu vào khung giờ này. Người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 135 EUR (gần 160 USD). Thủ tướng Jean Castex ngày 22/10 tuyên bố mở rộng lệnh giới nghiêm ra với hơn 2/3 dân số Pháp.
Các nguồn tin chính phủ cho biết sắp tới Pháp có thể công bố các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn virus lây lan trong bối cảnh một số nước châu Âu thắt chặt hạn chế. Tổng thống Macron đã hủy chuyến thăm một nhà máy điện hạt nhân ở miền đông nước Pháp ngày 28/10 vì ca nhiễm tăng nhanh.
Anh ghi nhận 894,690 ca nhiễm và 44,998 ca tử vong, tăng lần lượt 20,890 và 102 trường hợp. Anh là nước ghi nhận số người chết vì nCoV nhiều nhất châu Âu. Hàng triệu người ở Anh đang phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn.
Khoảng 3,1 triệu người ở xứ Wales phải ở nhà từ 18h trong 17 ngày, bắt đầu từ 23/10. Các cửa hàng bán lẻ không bán thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu và khách sạn phải đóng cửa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước cho biết một đợt phong tỏa toàn quốc mới sẽ là "thảm họa", song không loại bỏ khả năng này khi tình hình dịch diễn biến ngày càng phức tạp.
Đức ghi nhận thêm 12.530 ca nhiễm và 3 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 450.167 và 10.181. Ca nhiễm tăng trở lại tại quốc gia được đánh giá kiểm soát dịch tốt trong giai đoạn đầu buộc hàng loạt thành phố gồm Berlin, Duesseldorf, Nuremberg và Cologne phải hủy bỏ các chợ Giảng sinh nổi tiếng thế giới trong năm nay.
Với những bất đồng trong khu vực đang cản trở nỗ lực chống dịch, Thủ tướng Angela Merkel sẽ gặp những người đứng đầu 16 bang của Đức vào 28/10 để thống nhất các biện pháp quốc gia mới. Bà Merkel trước đó yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc và tránh đi lại không cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 716.759 ca nhiễm và 19,008 ca tử vong, tăng lần lượt 891 và 40 ca. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi.
Chính phủ Nam Phi quyết định mở biên với hầu hết quốc gia từ ngày 1/10, đồng thời dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Hành khách đến Nam Phi cần xuất trình kết quả âm tính nCoV được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, hoặc chịu cách ly bắt buộc và tự trả phí.
Số ca nhiễm tăng mạnh ở tỉnh Tây Cape trong hai tuần qua. Bộ Y tế nước này có thể báo cáo tình hình lên Hội đồng Covid-19 Quốc gia để đưa ra biện pháp kiềm chế dịch.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 32.953 người chết, tăng 337, trong tổng số 574.856 ca nhiễm, tăng 5.960. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Iran đang lên kế hoạch áp hạn chế mới dư kiến kéo dài một tháng, bao gồm cho công chức làm việc ngày chẵn ngày lẻ ở thủ đô Tehran và đặt thời gian làm việc khác nhau cho các ngành nghề để giảm tình trạng đông người lưu thông trên đường.
Trung Quốc ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 85.810, trong đó 4.634 người đã chết.
Trung Quốc hôm 25/10 phát hiện hơn 100 ca nhiễm nCoV tại thành phố Kashgar, Tân Cương và tất cả đều không có triệu chứng. Đây là ổ dịch lớn nhất được ghi nhận tại Trung Quốc sau đợt bùng phát lây nhiễm nCoV ở chợ đầu mối thuộc thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 6. Giới chức sẽ xét nghiệm cho gần 4,8 triệu dân tại thành phố này.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 392.934 ca nhiễm, tăng 3.222 so với hôm trước, trong đó 13.411 người chết, tăng 112 ca.
Jakarta bắt đầu áp đặt hạn chế nhằm ngăn nCoV từ hồi đầu tháng 4 rồi dần nới lỏng vào tháng 6. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ở thủ đô vài tuần sau tăng vọt. Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được triển khai để thực thi các biện pháp hạn chế từng thường xuyên bị phớt lờ, nhưng việc buộc người dân tuân thủ vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế lao dốc.
Philippines báo cáo 371.630 ca nhiễm và 7.039 ca tử vong, tăng lần lượt 1.607 và 62 ca. Các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh sẽ kéo dài đến ngày 31/10. Nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ Philippines cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế. Philippines dỡ bỏ lệnh cấm người du lịch nước ngoài từ 21/10.
Hầu hết doanh nghiệp được tái mở cửa từ khi Manila kết thúc phong tỏa hôm 19/8. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn, trong khi trẻ em, người già và phụ nữ mang thai được khuyến cáo ở nhà. Chính phủ đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương 1/10 dân số, vào quý II năm sau.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom hôm 26/10 thừa nhận sau nhiều tháng toàn cầu chiến đấu với Covid-19, mức độ "mệt mỏi do đại dịch" đã bắt đầu. "Nhưng chúng ta không thể từ bỏ", ông nói và kêu gọi các lãnh đạo thế giới "cân bằng sự gián đoạn đối với cuộc sống và sinh kế". "Khi các lãnh đạo hành động nhanh chóng, dịch bệnh có thể bị dập tắt".
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)