Tổng thống Donald Trump, người gắn liền với cam kết "Nước Mỹ trên hết", vừa đề xuất ý tưởng can thiệp táo bạo nhất ở Trung Đông kể từ sau cuộc chiến Iraq hơn 20 năm trước.
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 4/2, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza, di dời gần hai triệu dân, phá dỡ và san phẳng mọi công trình tại đây để phát triển dải đất thành "Riviera của Trung Đông", ám chỉ một khu ven Địa Trung Hải hấp dẫn du khách dài từ Pháp tới Italy.
Tổng thống Mỹ không loại trừ khả năng triển khai quân đội tới Gaza để đảm bảo an ninh nếu cần.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/06/AP25036021236042-6411-1738816652.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qCjkQyIsWXDq9LfM9YF2sA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP
Kế hoạch Gaza được ông Trump đưa ra khi lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel có hiệu lực và khu vực đang đứng trước nhiều câu hỏi về tương lai hậu xung đột. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 2/3 nhà cửa ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại trong 15 tháng giao tranh.
Giới quan sát nhận xét ông Trump đã đúng khi cho rằng nhiều thập kỷ ngoại giao trước đây của Mỹ đối với Israel và người Palestine đã không thể giải quyết xung đột. Các đề xuất hòa bình từng được nhiều đời tổng thống Mỹ đưa ra, song những vấn đề khu vực vẫn tồn tại dai dẳng, theo Paul Adams, nhà phân tích của BBC.
"Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và xung đột ở Dải Gaza sau đó là minh chứng cho điều đó", Adams cho hay.
Ông Trump từng được kiếm hàng triệu USD với tư cách nhà phát triển bất động sản. Do đó, Adams cho rằng "hoàn toàn hợp lý" khi ông đưa ra kế hoạch tái thiết Gaza và biến đây thành "Riviera của Trung Đông".
Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, cho biết quá trình tái thiết có thể mất nhiều năm và trong khi điều đó diễn ra, người Palestine sẽ cần di dời khỏi Dải Gaza, đồng nghĩa với một đợt di dân quy mô lớn nhất ở Trung Đông.
Để làm được điều đó, Mỹ sẽ phải bỏ ra chi phí khổng lồ để rà phá bom mìn chưa nổ, phá dỡ hàng loạt đô thị, giải phóng mặt bằng và tiến hành chiến dịch tái thiết quy mô lớn. Ngoài ra, Mỹ cũng phải duy trì hiện diện quân sự ở Gaza hoặc gần đó để đảm bảo an ninh cho quá trình tái thiết, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa.
Trên thực tế, một công ty an ninh Mỹ đã tuyển mộ khoảng 100 cựu lính đặc nhiệm để điều hành trạm kiểm soát quan trọng ở phía nam Gaza City, kiểm tra các phương tiện của người Palestine trên đường trở về miền bắc khu vực.
"Đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên mang tính thăm dò về hiện diện của quốc tế do Mỹ lãnh đạo tại Gaza", Adams nhận định.
Tuy nhiên, để có thể tiếp quản hoàn toàn Gaza, một công ty an ninh tư nhân là không đủ, đòi hỏi Lầu Năm Góc phải triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn với hàng nghìn binh sĩ, khí tài để tuần tra, canh gác và sẵn sàng chiến đấu. Đây là điều mà Tổng thống Trump từng nói với cử tri trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông muốn tránh.
Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở Gaza có thể châm ngòi những cuộc đụng độ trực tiếp giữa họ với lực lượng Hamas hay Iran và các nhóm dân quân trong "trục kháng chiến" được Tehran hậu thuẫn. Kịch bản này có nguy cơ đẩy Mỹ vào một vũng lầy xung đột khu vực.
Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy cũng cảnh báo viễn cảnh ông Trump đưa quân vào Dải Gaza "sẽ đẩy hàng nghìn quân nhân Mỹ vào chỗ chết và mở ra nhiều thập niên chiến tranh tại Trung Đông".
![Người dân Palestine di tản từ khu tị nạn Beit Hanoun về Jabalia ở miền bắc Gaza ngày 12/11/2024. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/06/AFP-20241112-36M63Z3-v5-HighRe-4103-6422-1738816653.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7PF7Oo20K-02uPlVJO_iJw)
Người dân Palestine di tản từ khu tị nạn Beit Hanoun về Jabalia ở miền bắc Gaza ngày 12/11/2024. Ảnh: AFP
Joseph Krauss, nhà phân tích của AP, cũng chỉ ra những thách thức khác đối với kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump.
Đầu tiên là người Palestine sẽ khó chấp nhận rời đi. Họ luôn coi Gaza là một phần không thể tách rời của quê hương và mong muốn có nhà nước độc lập ở Gaza, Bờ Tây, Đông Jerusalem và những vùng lãnh thổ khác mà Israel kiểm soát sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Người Palestine luôn mong muốn được ở lại trên đất của mình bất chấp hiểm nguy, đe dọa. Điều này được thể hiện rõ ràng tuần trước, khi hàng trăm nghìn người trở về miền bắc Gaza dù khu vực gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Rào cản thứ hai là các nước Arab sẽ không chịu tiếp nhận người tị nạn được di dời từ Dải Gaza, dù chỉ là phương án tạm thời. Ai Cập và Jordan, những nước bình thường hóa quan hệ với Israel cách đây nhiều thập kỷ, đã nhiều lần bác bỏ đề xuất tái định cư người Palestine trong biên giới của họ.
Các nước lo ngại Israel sẽ không bao giờ cho phép người Palestine trở về và dòng người tị nạn Palestine sẽ lần nữa gây mất ổn định khu vực giống như những thập kỷ sau năm 1948. Ngoài ra, nền kinh tế của hai quốc gia này đều đang gặp khó khăn nên khó có thể tiếp nhận lượng lớn người tị nạn.
Ông Trump cho rằng những quốc gia vùng Vịnh giàu có sẽ đóng góp để giúp tái định cư người Palestine, nhưng điều đó có vẻ không khả thi, theo Krauss. Arab Saudi, UAE và Qatar cũng đã từ chối mọi kế hoạch tiếp nhận người đến từ Gaza.
Ông Trump có đòn bẩy như thuế quan, lệnh trừng phạt hay cắt viện trợ để gây sức ép với các đồng minh và đối thủ trong khu vực. Tổng thống Trump cũng có thể chọn cách gây sức ép kinh tế với các nước như Ai Cập và Jordan, vốn từ lâu phụ thuộc vào viện trợ từ Mỹ.
Tuy nhiên, những nước trong khu vực cũng có đòn bẩy riêng trước những gì họ xem là mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia. Các quốc gia vùng Vịnh giàu có, vốn từng viện trợ cho Ai Cập và Jordan, có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của đòn trừng phạt kinh tế mà ông Trump tung ra.
Ai Cập cảnh báo bất kỳ cuộc di dời hàng loạt người Palestine nào vào bán đảo Sinai giáp Gaza đều có thể làm suy yếu hiệp ước hòa bình với Israel. Đây là nền tảng cho ổn định khu vực và ảnh hưởng của Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua.
Ai Cập và Qatar cũng đóng vai trò trung gian chính với Hamas trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. Cả hai bên đều đang làm việc với đặc phái viên Trung Đông của ông Trump để cố gắng gia hạn lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
![Vị trí Gaza City và các đô thị ở khác ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/06/Vi-tri-Gaza-City-4977-17233443-2131-9788-1738826950.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2gkT7kpKxijFf1mSCluzWA)
Vị trí Gaza City và các đô thị ở khác ở Dải Gaza. Đồ họa: BBC
Với những rào cản đó, việc thực hiện kế hoạch Gaza của ông Trump gần như bất khả thi. Bởi vậy, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ dường như hướng tới mục tiêu khác khi đề xuất ý tưởng gây sốc này.
"Đề xuất của ông Trump có thể chỉ là nước cờ mở đầu trong quá trình mặc cả, nhằm mục đích cuối cùng là đạt một thỏa thuận lớn hơn ở Trung Đông", nhà phân tích Krauss nhận định.
Tuần trước, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế lớn đối với Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn của Mỹ, trước khi thông báo trì hoãn thực thi 30 ngày vì đã đạt thỏa thuận về an ninh biên giới và kiểm soát buôn lậu ma túy với hai nước.
Chuyên gia cho rằng ông Trump cuối cùng có thể thu hẹp đề xuất hoặc thậm chí dừng kế hoạch tiếp quản Gaza để đổi lấy nhượng bộ từ lãnh đạo các nước Arab, có thể là về tái thiết Gaza hoặc bình thường hóa quan hệ với Israel.
"Mọi thứ có thể rõ ràng hơn khi cú sốc ban đầu qua đi và khi ông Trump gặp Vua Jordan tại Nhà Trắng tuần tới", Krauss cho hay.
Thùy Lâm (Theo AP, BBC, CNN, Al Jazeera)