Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã phá hủy khoảng 130 đường hầm tại Dải Gaza kể từ khi phát động chiến dịch trên bộ cuối tháng trước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nhỏ của "ma trận" địa đạo mà Hamas đã dày công xây dựng 30 năm qua, ước tính có tổng chiều dài hơn 500 km.
Zoran Kusovac, nhà phân tích kỳ cựu của Al Jazeera, cho rằng cuộc chiến dưới lòng đất, mặt trận khốc liệt nhất ở Dải Gaza, vẫn chưa thực sự bắt đầu. "Khi cuộc chiến trong địa đạo diễn ra, thương vong của Israel nhiều khả năng sẽ tăng cao", ông nhận định.
IDF trước đó cho biết 34 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza. Lực lượng Israel tới nay mới vây hãm Hamas trên mặt đất và gọi không kích phá hủy những đường hầm bị phát hiện, chưa thực sự điều lực lượng tiến sâu vào mạng lưới hầm ngầm này.
Theo chuyên gia Kusovac, để giành lợi thế trong cuộc chiến dưới địa đạo, lực lượng Israel cần phải xác định được càng nhiều lối vào đường hầm càng tốt. Đây là nhiệm vụ không đơn giản, bởi Hamas được cho là đã mở hàng chục nghìn cửa hầm ở Dải Gaza.
Những video được Hamas công bố gần đây cho thấy một số cửa hầm được ngụy trang trong các bụi cây, nơi binh sĩ Israel thường bỏ qua trong quá trình hành quân. IDF còn cáo buộc Hamas còn bố trí lối vào địa đạo trong các công trình dân sự như trường học, bệnh viện, gara, nhà kho, thậm chí là dưới bãi rác.
Một số miệng hầm bị vùi lấp dưới đống đổ nát sau các cuộc không kích, pháo kích của Israel, khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn.
Dù vậy, nhờ kinh nghiệm thu được sau cuộc chiến trên bộ ở Dải Gaza năm 2014, IDF đã chuẩn bị các phương án tốt hơn để săn tìm hầm ngầm của Hamas. Hàng nghìn cửa hầm ở Dải Gaza đã bị IDF phát hiện gần đây, nhờ việc ứng dụng thiết bị không người lái (UAV) trinh sát có khả năng phân tích chuyển động, nhận diện khuôn mặt của các tay súng Hamas. Một số cửa hầm được xác định nhờ lực lượng chỉ điểm mà Israel cài vào vùng lãnh thổ.
"Tôi sẽ không bất ngờ nếu Israel đã biết được vị trí nửa số cửa hầm ở Dải Gaza", Kusovac nói.
Theo chuyên gia này, đường hầm ở Dải Gaza thường có nhiều lối vào. Trừ khi IDF phát hiện được tất cả cửa hầm và phá hủy chúng, lực lượng Hamas vẫn có thể hoạt động bình thường dưới lòng đất.
Để có thể lập được bản đồ địa đạo của Hamas và xác định toàn bộ các cửa vào, biệt kích Israel sẽ phải đi xuống đường hầm. Ở dưới lòng đất, các thiết bị định vị như GPS không hoạt động do tín hiệu vệ tinh không thể xuyên qua lớp đất phía trên. Để ứng phó, biệt kích Israel có thể dùng thiết bị định vị sử dụng cảm biến từ tính và cảm biến chuyển động, giống như loại được dùng cho máy đếm bước chân.
"Các thiết bị cảm biến này thường thô sơ, thiếu chính xác, song vẫn tốt hơn là không có gì", Kusovac nhận định.
Một khi xuống được dưới hầm, binh sĩ Israel sẽ phải dùng kính nhìn đêm để quan sát, hạn chế sử dụng thiết bị phát sáng nhằm tránh bị phát hiện. Họ cũng không thể dùng radio để liên lạc như ở trên mặt đất mà phải sử dụng điện thoại hữu tuyến để liên lạc.
Để sử dụng điện thoại này, binh sĩ Israel sẽ phải vừa dò dẫm trong đường hầm vừa rải dây điện thoại, khiến tốc độ di chuyển bị chậm lại.
Mỗi khi gặp đường hầm nhánh, họ sẽ phải cử một nhóm ở lại để canh gác, đề phòng nguy cơ bị đối phương tập kích từ phía sau. Khi tìm thấy một cửa hầm, các binh sĩ phải đánh dấu lại vị trí và chuyển thông tin cho lực lượng trên mặt đất. Lực lượng này sẽ đối chiếu để tìm lối vào ở bên ngoài.
Israel từng tiết lộ sở hữu robot chuyên dụng có khả năng mở đường, dò lối đi và gửi hình ảnh cho người điều khiển ở phía trên. Tuy nhiên, robot này không thể lên, xuống cầu thang và vượt chướng ngại vật, nên chỉ có thể hoạt động ở một tầng của đường hầm. Điều này khiến nó chưa thể thay thế con người trong nhiệm vụ lập bản đồ địa đạo.
Không chỉ tốn thời gian, công sức, nhiệm vụ này còn ẩn chứa nhiều rủi ro, vì lực lượng Hamas nhiều khả năng đã cài bẫy mìn ở hầu hết các đường hầm. Chúng được kích hoạt từ xa, hoặc tự phát nổ khi cảm nhận được ánh sáng, rung động, tiếng ồn, chuyển động hay sự thay đổi về nồng độ CO2 do sự xuất hiện của con người.
Hamas còn lắp đặt nhiều thiết bị quan sát để theo dõi di biến động của kẻ địch trong đường hầm. Các thiết bị này hoạt động nhờ mạng lưới dây cáp chằng chịt bên trong hầm, song binh sĩ Israel không thể tự ý cắt bỏ bất kỳ dây điện nào mà họ thấy, do một số loại bẫy mìn có thể tự kích hoạt nếu bị mất nguồn điện.
Đây là điều hết sức nguy hiểm, vì các vụ nổ dưới đường hầm có sức sát thương lớn hơn nhiều so với khi xảy ra trên mặt đất. Luồng lửa lan nhanh hơn và hút hết dưỡng khí bên trong hầm, khiến những ai không chết vì vụ nổ cũng tử vong vì ngạt thở.
Ngay cả khi đối phương không làm kích hoạt bẫy mìn, lực lượng Hamas cũng có thể đốt chất gây cháy để tạo ra các vụ nổ bên trong địa đạo. "Chiến thuật này hầu như không gây tổn hại cho hệ thống đường hầm, giúp Hamas có thể sử dụng nó bình thường sau khi kẻ địch bị đẩy lui", Kusovac nêu quan điểm.
Để đối phó, biệt kích Israel có thể dùng mặt nạ phòng độc và bình dưỡng khí, song việc đeo thiết bị cồng kềnh như vậy có thể ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, chiến đấu của họ, theo Kusovac.
Chuyên gia này cho rằng IDF sẽ tránh giao tranh trực tiếp với Hamas trong đường hầm, do lợi thế về công nghệ, khí tài của họ khó có thể phát huy trong môi trường này. Hơi cay có thể là một phương án hữu hiệu để buộc các tay súng Hamas phải rời khỏi địa đạo.
"Hamas dường như không có nhiều thiết bị bảo hộ, nên bất kỳ loại hơi cay nào cũng có thể đạt hiệu quả cao", Kusovac nói, thêm rằng IDF cũng có thể xả nước để làm ngập các đường hầm.
Trong trường hợp phải đụng độ dưới lòng đất, lực lượng Israel sẽ không thể sử dụng nhiều loại vũ khí, do chúng thường có kích thước quá lớn và cồng kềnh để dùng trong không gian hẹp. Chớp lửa đầu nòng khi khai hỏa vũ khí trong bóng tối cũng có thể gây ảnh hưởng tới thị lực của người bắn, đặc biệt là khi đeo kính nhìn đêm chuyên dụng.
Do đó, nhiều khả năng lính Israel sẽ chỉ mang theo súng cỡ nhỏ có ống giảm thanh, nhằm hạn chế chớp lửa đầu nòng khi giao tranh.
Dù sử dụng vũ khí nào, hỏa lực của của cả hai bên đều sẽ bị hạn chế, do địa hình hẹp khiến chỉ tối đa hai người có thể bắn một lúc, trong đó một người phải quỳ. Họ không thể dùng lựu đạn nổ, song vẫn có thể sử dụng lựu choáng, tuy nhiên vẫn có rủi ro gây hại cho phe mình.
Lực lượng hai bên sẽ được trang bị dao găm, do cận chiến ở không gian hẹp như đường hầm là điều khó tránh. Một số ý kiến nhận định Israel có thể sử dụng các đội chó nghiệp vụ tấn công để tác chiến dưới lòng đất, song Kusovac không cho rằng đây là phương án khả thi.
"Loài chó trở nên rất khó kiểm soát khi bị đặt vào điều kiện chiến đấu căng thẳng. Một số trường hợp cho thấy chúng có thể tấn công cả phe mình do bị ảnh hưởng bởi ánh sáng hoặc tiếng ồn trong lúc giao tranh", chuyên gia này nhận xét.
Để phá hủy hoàn toàn đường hầm, lực lượng Israel cần phải đào các lỗ sâu ở trên tường và trần hầm, sau đó đặt thuốc nổ vào bên trong nhằm đánh sập cấu trúc của địa đạo.
"Đây là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, không khả thi trong lúc giao tranh đang xảy ra, nên Israel nhiều khả năng sẽ cố gắng loại bỏ các tay súng Hamas trước, sau đó mới tìm cách phá sập hệ thống địa đạo của đối phương", Kusovac cho biết.
IDF cũng có thể chọn giải pháp bịt kín cửa các đường hầm bằng cách đổ bê tông hoặc sử dụng "bom bọt biển". Đây là loại bom hóa học nhỏ, có thể giải phóng một lượng bọt nở lớn và nhanh chóng đông cứng lại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và Israel vẫn sẽ muốn phá hủy hoàn toàn các đường hầm, Kusovac nhận định.
Phạm Giang (Theo Al Jazeera)