Quyết tâm kháng cự của Ukraine suốt nhiều tháng qua được phương Tây nhận định là nguyên nhân chính khiến Nga không giành được chiến thắng nhanh chóng, dù áp đảo đối phương về quân số và vũ khí. Tuy nhiên, thành công tiếp theo trong chiến dịch phản công tương lai của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vũ khí hiện đại từ phương Tây.
Liên minh hàng chục quốc gia phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết viện trợ quân sự gần 60 tỷ USD cho Ukraine, trong đó Mỹ dẫn đầu với các gói hỗ trợ có tổng trị giá hơn 35,4 tỷ USD. Trong số những vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine có các hệ thống hiện đại như xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo phản lực HIMARS cùng hàng triệu viên đạn pháo, rocket.
Phương Tây đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức về hậu cần để đưa số vũ khí đó đến Ukraine, song cách chuyển chúng đến tiền tuyến ra sao lại là vấn đề hoàn toàn khác, theo Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hải quân, trụ sở tại Mỹ.
Ngay cả những vũ khí phương Tây hiện đại nhất cũng không thể mang lại lợi ích cho quân đội Ukraine nếu chúng không được chuyển giao tới các đơn vị tương ứng một cách nhanh chóng. Trong khi đó, vận chuyển vũ khí ra tiền tuyến và phân bổ cho các đơn vị lại đang là một trong những thách thức lớn nhất mà Kiev đối mặt.
"Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản về hậu cần, khi tìm cách chuyển vũ khí ra chiến trường", chuyên gia Kofman nói. "Quân đội Mỹ từng gặp vấn đề tương tự, ngay cả trong những chiến dịch tốt nhất, khi các đơn vị không được cấp vũ khí đều nhau".
Thiếu tướng Steven Edwards, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt tại châu Âu của Mỹ, từng thừa nhận thách thức về hậu cần mà Ukraine đối mặt. "Việc chuyển khí tài và cung cấp tới tay các đối tác của chúng tôi được chứng minh là vô cùng khó khăn", tướng Edwards đánh giá.
Môi trường tác chiến hạn chế càng khiến thách thức với công tác hậu cần của Ukraine tăng lên.
Trong chiến dịch tại Afghanistan và Iraq, Mỹ chiếm hoàn toàn ưu thế trên không và có thể tự do điều vận tải cơ hoặc trực thăng tiếp tế cho lực lượng mặt đất. Nhưng Ukraine không có ưu thế đó, khi họ không thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời.
Điều này khiến quân đội Ukraine khó chuyển hàng tiếp tế cho các đơn vị tiền tuyến bằng đường không, khi phòng không và không quân Nga có thể bắn rơi máy bay của họ bất cứ lúc nào.
Phần lớn vấn đề hậu cần Ukraine gặp phải bắt nguồn từ việc xác định các đơn vị tiền tuyến đang cần thứ gì. Kofman, người vừa trở về từ một chuyến thực tế tại Ukraine, cho hay các binh sĩ nước này không phàn nàn về vật tư quân sự mà phương Tây cung cấp, thay vào đó là nỗi thất vọng về việc không được cấp phát chúng một cách kịp thời.
"Mọi thứ không còn là 'Mỹ không chuyển cho chúng tôi đủ vũ khí', thay vào đó là 'làm thế nào chúng tôi tiếp cận những thứ lẽ ra đã được nhận'", ông Kofman nói. "Họ không bao giờ nhận đủ khí tài, vật tư cần thiết".
Một binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ nhận định đưa đúng vũ khí và trang thiết bị tới tiền tuyến "là tiến trình phức tạp mà nhiều bộ phận cần phối hợp với nhau".
"Những người làm công tác hậu cần phải đảm bảo cung cấp những gì mà đơn vị tiền tuyến cần. Điều này nói dễ hơn làm, bởi bên cung cấp và các đơn vị sử dụng phải liên tục trao đổi với nhau", binh sĩ này cho biết.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi Ukraine theo đuổi xây dựng lực lượng cơ động cao, sau một số cải cách và thay đổi trong nhiều năm qua. Sau khi chiến sự với Nga bùng phát, Ukraine biên chế thêm nhiều lữ đoàn mới, trang bị các loại vũ khí mới.
Tuy nhiên, việc trang bị vũ khí cho các đơn vị mới, đồng thời phải đảm bảo nguồn cung cho những đơn vị đang chiến đấu, là nỗ lực cân bằng khó khăn. Các sĩ quan hậu cần và chỉ huy Ukraine sẽ phải đảm bảo giữa các đơn vị tham gia chiến dịch phản công không có chênh lệch quá lớn về khí tài cũng như nhân sự, để không tạo ra bất cứ điểm yếu nào có thể ảnh hưởng đến cục diện chiến sự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi cuối tháng 3 thừa nhận Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược, do đó chưa thể mở chiến dịch phản công quy mô lớn.
Tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây cho thấy tình báo nước này lo ngại thiếu sót trong huấn luyện quân và cung cấp đạn dược có thể khiến Ukraine chịu thương vong nặng nề khi phản công.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21/4 cho rằng Ukraine có thể giành được nhiều lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát khi phản công. Ông Stoltenberg thừa nhận các bên cần thảo luận về nền tảng mới để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như đảm bảo vũ khí phương Tây đã chuyển tới nước này phát huy hiệu quả tốt nhất.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)