Ông Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Văn Văn, cựu phó giám đốc Sở Y tế và Lê Ngọc Tường, cựu phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nằm trong số 5 người bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Cùng vụ án, 10 người bị truy tố tội Đưa hối lộ; duy nhất cựu cán bộ công an Nguyễn Xuân Thông bị truy tố tội Che giấu tội phạm.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 8 ngày, có 23 luật sư; riêng ông Tùng có 3 người bào chữa. HĐXX cũng triệu tập người có quyền, nghĩa vụ liên quan và người tham gia tố tụng khác, song không công bố tên.
>> Danh sách 17 người bị truy tố
Việc tổ chức đưa công dân về nước trong đợt dịch Covid-19 được thực hiện dưới 3 hình thức là chuyến bay "giải cứu", "combo" và chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch. UBND các tỉnh thành được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra văn bản chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về địa phương cách ly.
Theo cáo trạng, lợi dụng chủ trương này, một số cá nhân tại UBND các tỉnh thành đã trực tiếp hoặc qua trung gian thỏa thuận đưa, nhận hối lộ số tiền lớn.
Tại Thái Nguyên, ông Trần Tùng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ, được giao nhiệm vụ là đầu mối tổng hợp danh sách, hồ sơ của các doanh nghiệp. Đơn vị này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, công an tỉnh và các địa phương để thẩm định điều kiện nhập cảnh và cách ly y tế.
Tùng sau đó móc nối cho Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh, đã bị xét xử ở giai đoạn một) và Công ty Sen vàng Đất Việt của Trần Thị Quyên thực hiện cách ly trọn gói là 18 triệu đồng một khách. Chi phí này đã gồm tiền khách sạn, ăn ở, test Covid, xe vận chuyển và cả "chi phí khác như việc xin văn bản chấp thuận cách ly được thuận lợi".
Tuy nhiên trên hợp đồng chỉ ghi là 12 triệu đồng một khách; 6-8 triệu đồng tiền chênh lệch còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên để chuyển lại cho Tùng.
Theo "kịch bản" ông Trần Tùng đưa ra, bà Quyên sẽ lo trọn gói các thủ tục cách ly cho khách tại Thái Nguyên. Còn ông Nghĩa chuyển toàn bộ tiền trong và ngoài hợp đồng như đã thỏa thuận cho bà Quyên.
Kết quả, Công ty Nhật Minh đã được tổ chức ba chuyến bay đưa 668 người về cách ly tại Thái Nguyên. Ông Nghĩa sau đó đã chuyển hơn 11 tỷ đồng cho bà Quyên, trong đó 4,4 tỷ đồng là "tiền ngoài hợp đồng". Như vậy, ông Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần của Nghĩa thông qua bà Quyên, tổng cộng 4,4 tỷ đồng, cơ quan điều tra nêu.
Ngoài ra, khi thực hiện 7 chuyến bay từ Nhật Bản về nước, đưa công dân cách ly tại Thái Nguyên, ông Trần Tùng đã hưởng lợi 3,2 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, Sở Y tế giao Phó giám đốc Nguyễn Văn Văn làm nhiệm vụ xem xét phương án nhập cảnh từng chuyến bay. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch do Phó giám đốc Lê Ngọc Tường sẽ đánh giá năng lực tổ chức đón đoàn.
Cuối tháng 5/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó giám đốc Công ty Bluesky, ở giai đoạn một của vụ án, bị tuyên phạt 11 năm) đã liên hệ nhờ ông Văn và Tường hỗ trợ cho công dân hồi hương được cách ly y tế tự trả phí ở Quảng Nam. Ông Văn và Tường đồng ý, sau đó phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tiếp nhận công dân về nước trên 56 chuyến bay do bà Hằng thực hiện.
Mọi việc êm xuôi, bà Hằng đã 5 lần đưa tiền, tổng 450 triệu đồng cho Văn và 4 lần đưa tổng cộng 400 triệu cho Tường.
Tại Hải Dương, bị can Lê Thị Phượng, chuyên viên Phòng khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc theo đề nghị của Bùi Huy Hoàng và Võ Thị Hồng.
Kiếm tiền từ việc đưa khách lẻ hồi hương
Ông Vũ Hồng Quang, nguyên phó Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép chuyến bay "combo". Khi triển khai, nhiều chuyến bay về nước vẫn còn chỗ trống nên Quang đã đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp để cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt. Quang lấy 2 triệu đồng trên mỗi khách.
Ông Quang sau đó chỉ đạo Nguyễn Mạnh Trường, chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách. Như vậy, Quang nhận hối lộ 1,9 tỷ đồng và chuyển khoản 4 lần cho Trường, tổng cộng 244 triệu đồng.
Ngoài ra, Quang còn nhờ cựu cán bộ Bộ Y tế Phạm Trung Kiên giúp đỡ để có văn bản chấp thuận cho công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Ông Kiên đồng ý với giá 10 triệu đồng/công dân.
Bằng nhiều cách khác nhau, Quang đã thỏa thuận và đưa hối lộ cho Kiên 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân về nước, hưởng lợi 20 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển 3,8 tỷ đồng cho Quang đưa hối lộ Kiên để có văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước, hưởng lợi 2 tỷ đồng, theo cáo trạng.
Đây là giai đoạn 2 của đại án "chuyến bay giải cứu", được điều tra từ tháng 6/2023 khi giai đoạn một đang trong thời gian truy tố. Thời gian điều tra cả hai giai đoạn tương đương nhau, 15-16 tháng.
Tại phiên sơ thẩm xét xử giai đoạn 1 của vụ án chuyến bay giải cứu, cuối tháng 7/203, TAND Hà Nội đã tuyên 54 người phạm một trong các tội: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, 4 người bị phạt tù chung thân là cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan; cựu điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Hoàng Văn Hưng; cựu Phó phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên.
Tại phiên phúc thẩm sau đó 5 tháng, bị cáo Hoàng Văn Hưng được giảm từ tù chung thân xuống còn 20 năm tù. HĐXX cho rằng việc bị cáo Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn nhận 27 tỷ, Hương Lan nhận 25 tỷ đã "gây bức xúc dư luận, cần xử phạt răn đe để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật" nên tuyên y án chung thân.
Thanh Lam