Chiều nay thứ ba, 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đắc cử Chủ tịch nước với tỷ lệ phiếu bầu 99,79%.
"Sự kiện hôm nay dù chỉ là tình huống do trước đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Việt Nam khuyết chức danh người đứng đầu Nhà nước, nhưng tôi nghĩ rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu với kết quả đồng thuận rất cao như vậy là sự tất yếu, trước hết là ở uy tín cá nhân và về lâu dài, tôi hy vọng việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không chỉ tình huống mà sẽ được nghiên cứu để thể chế hoá", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình chia sẻ, "nhiều đảng viên và cử tri mà tôi biết đã rất phấn khởi từ khi Tổng bí thư được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, tôi tin nhiều người đã vỗ tay khi ngồi trước màn hình tivi chiều nay".
Còn Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân thì khẳng định tân Chủ tịch nước là "một người ưu tú, xứng đáng". Theo đại biểu, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ trên các cương vị quan trọng mà ông từng đảm nhiệm, đơn cử như công tác xây dựng Đảng hay gần đây là mặt trận phòng, chống tham nhũng... Cùng với đó, ông cũng có cuộc sống và phong cách giản dị.
Ông Lê Thanh Vân cho hay, theo bản kê khai tài sản của Tổng bí thư thì ông ở nhà công vụ, dành dụm được một số tiền, một phần mua công trái và một phần gửi tiết kiệm. "Qua bản kê khai đó, tôi thấy rằng ngoài công việc, ông có cuộc sống bình thường như bao cán bộ, công chức khác", ông Vân nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin thêm, khi đọc bản kê khai tài sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ông thấy rất khiêm nhường. "Bản kê khai cho thấy mức lương của ông không cao, tiền tiết kiệm và tài sản cũng không nhiều. Ngoài căn nhà công vụ theo quy định của Đảng và Nhà nước, ông có hơn 300 m2 đất ở quê do ông bà tổ tiên để lại", đại biểu Dương Trung Quốc cho hay.
"Xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này"
Là bạn cùng lớp đại học với tân Chủ tịch nước, ông Dương Đức Quảng (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí, Văn phòng Chính phủ) kể, "khi là sinh viên anh Nguyễn Phú Trọng học giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp vào Đảng trong trường".
"Anh Trọng đã trải qua nhiều cương vị quan trọng nhưng xuất phát điểm của anh không phải con ông cháu cha mà sinh ra trong một gia đình nông dân quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội", ông Quảng nói.
Ông Quảng còn nhớ, có lần trong cuộc gặp thầy cô, bạn bè cùng lớp sau khi đã giữ chức danh lãnh đạo Đảng, ông Trọng đã "xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này".
"Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, sau khi ra trường tài năng không biết ai hơn ai. Có người gặp may, có người không gặp may. Tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn lại mãi với nhau là tình thày trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó...", ông Quảng nhắc lại tâm sự của người bạn Nguyễn Phú Trọng mà ông còn nhớ như in.
Theo ông Quảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có hai người con, một gái, một trai và đều là những công chức nhà nước bình thường. Lần gả chồng cho con gái khi đã ở cương vị lãnh đạo, ngoài gia đình và họ hàng, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mời bạn bè thân thiết đến dự đám cưới. Lễ cưới đó tổ chức giản dị, chỉ có tiệc trà, hoa quả và bánh ngọt, không có cỗ bàn linh đình. Khi cưới con trai, ông Trọng tổ chức trong nội bộ gia đình và mời rất ít bạn bè.
"Chỉ sau đám cưới của con, anh Trọng mới gửi thiếp báo hỷ tới bạn bè. Tôi cũng là một người nhận được thiệp báo hỷ như thế", ông Quảng cho hay.
Ngày thầy giáo cũ - Giáo sư Phan Cự Đệ mất, ông Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Chủ tịch Quốc hội đến viếng, tuy có vòng hoa riêng nhưng vẫn nhập đoàn với các sinh viên Văn trường Đại học Tổng hợp.
Cô giáo dạy tân Chủ tịch nước từ ngày lớp 4 Đặng Thị Phúc vẫn nhớ mãi cậu học trò "chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, đi chân đất, không kể đông hay hè". Nhờ bài thơ "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T) cô đọc ở hội thơ nhà giáo, cậu học trò nhỏ ngày nào đã tìm về thăm cô sau 50 năm.
"Trò Trọng đến khi tôi đang chuẩn bị cơm chiều, kể cũng tài, lúc đó nhà tôi đang xây nên phải đi ở thuê, đường quanh co mà em vẫn tìm được", bà xúc động nói.
Một câu chuyện từng được ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại chia sẻ trong cuộc họp tổ của Quốc hội. Đó là khi xảy ra vấn đề Biển Đông (vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tháng 5/2014) thì Trung ương đang họp, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp và ông Nguyễn Văn Giàu là thành viên của Đảng đoàn Quốc hội được tham dự các phiên họp này.
"Tôi nhớ phiên thảo luận đó, cuối cùng Tổng bí thư quyết. Ông nói bằng mọi cách, bằng mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Đi bằng cách nào? Bằng ba trụ cột. Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế, trụ cột thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và toàn thế giới, với Liên Hiệp Quốc để ủng hộ ta. Trụ cột thứ ba là thực địa, kể cả mời báo chí trong nước và nước ngoài ra ngoài khu vực nóng", ông Nguyễn Văn Giàu kể.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân