Bà Huỳnh trải qua nửa tháng thở máy xâm lấn do suy hô hấp diễn tiến nặng khi điều trị Covid-19, phải nằm an thần một chỗ, nuôi ăn qua sonde dạ dày. Xét nghiệm âm tính hai lần, đủ điều kiện xuất viện tại bệnh viện điều trị Covid-19 nhưng sức khỏe vẫn còn yếu, bà được chuyển đến Bệnh viện 1A (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM), ngay sau khi nơi này lập khu phục hồi hậu Covid-19 vào tuần trước.
"Tôi nằm lâu nên tay chân yếu, run rẩy khó bước đi, khi nuốt cũng dễ sặc, lại thêm mất ngủ", bà Huỳnh chia sẻ. Suốt tuần qua, bà được các chuyên gia vật lý trị liệu tập phổi, tập thở, tập cử động các khớp tay chân, tập đi, phục hồi chức năng nuốt...
Đón khoảng 40 bệnh nhân nặng như bà Huỳnh sau một tuần lập Đơn vị Phục hồi chức năng sau Covid 19, giám đốc Bệnh viện 1A Đỗ Trọng Ánh nhận định "có những trường hợp suy kiệt khó qua khỏi nếu không điều trị phục hồi". Đơn vị này có quy mô 60 giường, dự kiến có thể mở rộng quy mô đến 100 giường.
Theo bác sĩ Ánh, mỗi ngày, bệnh viện đều nhận nhiều cuộc gọi hội chẩn để chuyển bệnh từ các bệnh viện điều trị Covid-19, sau khi nơi này thông báo tiếp nhận phục hồi chức năng bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19. Có ca chuyển đến khi vừa cai máy thở chưa lâu, bệnh nhân thở nhanh, chụp phim phổi phát hiện xẹp phổi phải dẫn lưu.
"Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời rất dễ tử vong", bác sĩ Ánh nói. Ngoài ra, một số bệnh nhân sau khi về nhà cảm thấy chưa hồi phục sức khoẻ cũng chủ động đến khám và nhập viện. Đối với những bệnh nhân đã trải qua một thời gian dài vật lộn với Covid 19, khi đã âm tính thì hành trình tập luyện để hồi phục hoàn toàn sức khỏe mới thật sự bắt đầu.
Bệnh viện vừa hội chẩn với Khoa Cấp cứu một bệnh viện dã chiến về nam bệnh nhân 58 tuổi. Bệnh nhân phát hiện dương tính hồi đầu tháng 8, vừa âm tính trở lại vào giữa tháng 9. Một tháng rưỡi từ khi mắc Covid-19, hiện SpO2 của ông cũng tụt dao động 88-92% khi thở khí trời, gắng sức nhẹ thì thở mệt. Trong quá trình điều trị trước đó, ông bị viêm phổi nặng do Covid và phải thở áp lực dương liên tục.
Kết quả chụp X-quang mới nhất ghi nhận phổi của ông tổn thương nặng, theo dõi xơ phổi, mắc dù xét nghiệm đã âm tính. "Bệnh nhân Covid-19 nặng dù sau đó điều trị âm tính nhưng có thể để lại nhiều di chứng, đặc biệt là suy kiệt rất nhiều cần phải phục hồi thời gian dài", bác sĩ Ánh chia sẻ.
Người bệnh âm tính vào khu điều trị phục hồi hậu Covid-19 của Bệnh viện 1A sẽ được lượng giá bởi bác sĩ phục hồi chức năng một cách tổng quát về chức năng hô hấp, vận động, nhận thức, tâm lý và các bệnh lý nền, kể cả những bệnh nhân sau tai biến mạch não có mắc bệnh Covid-19.
Từ đó, bệnh viện sẽ có chương trình tập riêng biệt cụ thể, phù hợp với thể trạng của từng người bệnh, như các bài tập cải thiện dung tích phổi, bài tập điều hòa đường thở, tập vận động tăng sức bền, tăng sức cơ cùng máy móc và dụng cụ hỗ trợ hiện đại... "Những trường hợp bị tụt SpO2, sau khi tập xong đều tăng lên 96-98% và thể lực được cải thiện đáng kể", bác sĩ Ánh cho biết.
Bác sĩ Ngô Anh Tuấn, Bệnh viện 1A, cho biết phục hồi chức năng sau điều trị Covid-19 có nhiều điểm khác với các bệnh lý mà bệnh viện hay tiếp nhận trước đây. Chẳng hạn, bệnh nhân tai biến mạch máu não thường yếu cơ, yếu liệt nửa người hoặc một bộ phận cơ thể, tay chân, cần tập phục hồi vận động, sức cơ là chủ yếu. Phục hồi cho người cai máy thở thì chỉ vỗ rung, thông khí phổi, chủ yếu là về mặt hô hấp.
"Riêng bệnh lý Covid này cần phải điều trị tổng hợp, virus tấn công vào đa cơ quan, bệnh nhân vừa tổn thương phổi do nằm lâu, khi ngồi dậy ngộp, khó thở, vừa ảnh hưởng sức cơ nên tay chân yếu, khó đi đứng, phải có đội ngũ phối hợp hỗ trợ", bác sĩ Tuấn nói. Trong quá trình thở máy, được nuôi ăn qua sonde nên sau khi tỉnh dậy bệnh nhân thường dễ sặc khi ăn. Hầu hết bệnh nhân đều suy kiệt nặng đòi hỏi phải quan tâm dinh dưỡng.
Chưa kể, virus còn tấn công vào hệ thần kinh thực vật, khiến nhiều người gặp vấn đề rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, run lẩy bẩy, bồn chồn... Nhiều bệnh nhân còn gánh chịu nỗi đau mất người thân sau đại dịch nên tâm lý càng bất ổn. Do đó, bên cạnh việc điều trị thực thể, bác sĩ cần phải kết hợp động viên tinh thần, giúp bệnh nhân thêm lạc quan chiến đấu với bệnh để mau chóng phục hồi.
Trước đây, bệnh nhân Covid-19 được điều trị bệnh, phục hồi chức năng, tổng trạng ổn định mới xuất viện. Những tháng qua, với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày được ghi nhận tại TP HCM, nhiều bệnh viện quá tải nên khi bệnh nhân âm tính Covid-19, chỉ tương đối ổn buộc phải cho xuất viện để nhường chỗ các bệnh nhân mắc mới khác. Hiện, một số bệnh viện tại TP HCM bắt đầu tiếp nhận phục hồi bệnh nhân sau điều trị Covid-19.
"Nếu bệnh nhân ở những cơ sở có điều kiện kết hợp phục hồi chức năng tốt ngay trong lúc điều trị Covid-19, bệnh nhân phục hồi sức khỏe sớm, ít di chứng hậu Covid hơn", bác sĩ Tuấn nói. "Ngược lại, quá trình hồi phục hậu Covid thường đối diện nhiều gian nan hơn".
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận nguời bệnh Covid-19 không chỉ phải đối mặt với tổn thương phổi nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong, mà sau khi khỏi bệnh, họ tiếp tục gặp phải các triệu chứng của "Covid kéo dài" như khó thở, đau thắt ngực, khó ngủ, đau cơ, trầm cảm, ù tai, tiêu chảy, đau dạ dày, chán ăn... Những người này cần sự hỗ trợ của các bài tập phục hồi chức năng phổi, vận động, trị liệu tâm lý để hồi phục hoàn toàn.
Ngày 20/9, sau một tuần được các y bác sĩ phối hợp nhiều bài điều trị, bà Huỳnh có thể đứng lên đi những bước chập chững, nuốt được cháo, ngủ ngon giấc hơn. "Bác sĩ bảo tôi cố gắng tập giỏi thì sẽ sớm khỏe mạnh về nhà", bà Huỳnh nói.